Tổng chưởng lý của 27 tiểu bang của Mỹ và một nhóm công ty thương mại điện lực đã kiện Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), tìm cách ngăn chặn một quy định mang tính bước ngoặt yêu cầu giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ những nhà máy điện đốt than hiện có và các nhà máy khí đốt tự nhiên mới.
Quy định trên, được chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn thiện vào tháng Tư vừa qua, như một phần trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đã bị thách thức trong ba vụ kiện đệ trình lên Tòa phúc thẩm Mỹ Quận Columbia. Quy định yêu cầu nhiều nhà máy khí đốt và điện than hiện có phải giảm 90% lượng khí thải nhà kính vào năm 2032. Các yêu cầu này dự kiến sẽ buộc ngành điện lực của Mỹ phải lắp đặt những công nghệ kiểm soát khí thải trị giá hàng tỷ USD hoặc đóng cửa các cơ sở phát thải nhiều nhất đang hoạt động.
Các quy định này là một phần trong chương trình nghị sự về khí hậu của ông Biden và nhắm vào lĩnh vực chịu trách nhiệm cho gần 1/4 lượng ô nhiễm khí nhà kính của nước Mỹ.
EPA từ chối bình luận về thông tin trên.
Tổng chưởng lý bang West Virginia, Patrick Morrisey cho biết trong một tuyên bố rằng các quy định này dựa trên những công nghệ giảm phát thải chưa được triển khai một cách có ý nghĩa trong thực tế, vượt quá thẩm quyền của EPA theo Đạo luật Không khí Sạch và sẽ biến đổi hoàn toàn mạng lưới năng lượng của quốc gia mà không cần sự thông qua của quốc hội. Ông nhấn mạnh, quy định này “đang khiến các nhà máy ngừng hoạt động và do đó phải đóng cửa, làm thay đổi mạng lưới năng lượng vốn đã quá căng thẳng của quốc gia”.
Vụ kiện diễn ra một ngày sau khi 23 tổng chưởng lý đảng Cộng hòa từ các bang bao gồm West Virginia, North Dakota và Texas lên tiếng phản đối một quy định khác của EPA về việc hạn chế lượng thủy ngân và các chất ô nhiễm nguy hiểm khác có thể thải ra từ các nhà máy điện.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, khẳng định của EPA rằng việc giảm phát thải là khả thi nếu các nhà máy điện lắp đặt công nghệ thu giữ và cô lập carbon (CCS) – công nghệ thu giữ khí thải trước khi chúng thải vào khí quyển – có thể sẽ là một vấn đề lớn trong vụ kiện tụng.
Đạo luật Không khí Sạch yêu cầu EPA đặt ra các tiêu chuẩn có thể đạt được bằng cách sử dụng các công nghệ “được chứng minh đầy đủ” tính khả thi. Nhưng trong khi EPA cho biết họ tin rằng CCS khả thi và tiết kiệm chi phí thì những người phản đối lại cho rằng công nghệ này chưa sẵn sàng để triển khai tại các nhà máy điện trên toàn quốc.
Trước đó, EPA cuối tháng 3/2024 cho biết đang hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn khí thải từ ống xả đối với các loại xe hạng nặng như xe bán tải và xe buýt. Theo EPA, các quy định mới đặt ra những tiêu chuẩn khí thải ống xả cho các dòng xe hạng nặng sản xuất từ năm 2027 đến năm 2032, bao gồm xe tải giao hàng, xe chở rác, xe tải tiện ích công cộng, xe buýt trung chuyển, xe đưa đón, xe buýt trường học và xe đầu kéo rơ-moóc. Các quy định này cho phép nhà sản xuất lựa chọn bộ công nghệ kiểm soát khí thải phù hợp nhất với họ và nhu cầu của khách hàng.
Việc áp dụng các quy định về khí thải với xe hạng nặng này có thể giúp ngăn chặn 1 tỷ tấn khí thải nhà kính và mang lại các khoản phúc lợi xã hội 13 tỷ USD mỗi năm. Các phương tiện hạng nặng chiếm 25% lượng phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải và khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ.
Quy định về mức giới hạn phát thải ống xả hiện tại được ban hành vào năm 2026, áp dụng đối với các phương tiện hạng nặng sản xuất từ năm 2021 đến năm 2027. Tuần trước, EPA đã hoàn thiện các quy định về phát thải đối với những phương tiện hạng nhẹ và hạng trung cho đến năm 2032, cắt giảm mục tiêu đạt tỷ lệ xe điện của Mỹ từ 67% vào năm 2032 xuống chỉ còn 35%.
Hồi tháng 12/2023, EPA đã ban hành các quy định riêng nhằm giảm lượng khí thải methane từ những hoạt động dầu khí. Các tiêu chuẩn mới tìm cách đáp ứng yêu cầu loại bỏ tình trạng đốt khí tự nhiên ở các giếng dầu và yêu cầu giám sát toàn diện tình trạng rò rỉ khí methane từ các giếng và trạm nén.
EPA ước tính điều này sẽ ngăn chặn khoảng 58 triệu tấn khí thải methane từ năm 2024 đến năm 2038, tương đương với 1,5 tỷ tấn CO2.
Trong khi đó, số liệu tổng hợp mới công bố cho thấy vào năm 2023, lượng khí CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch do Liên minh châu Âu (EU) tạo ra đã giảm khoảng 8% so với năm 2022, giúp đẩy lượng khí thải loại này của khối xuống mức thấp nhất trong 60 năm.
Theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Crea), mức giảm nêu trên là mức giảm hàng năm mạnh nhất kể từ sau năm 2020, khi các chính phủ đóng cửa các nhà máy và đình chỉ các chuyến bay để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Báo cáo cho thấy hơn một nửa lượng khí thải giảm tại EU là nhờ khối này sử dụng điện từ các nguồn sạch hơn. Theo dữ liệu của ngành, EU đã lắp đặt số lượng tấm pin Mặt Trời và tua-bin gió cao kỷ lục vào năm 2023, đồng thời có thể tạo ra nhiều điện hơn từ các đập và nhà máy điện hạt nhân từng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và tạm đóng cửa để sửa chữa vào năm trước.
Cũng theo báo cáo, nhu cầu điện thấp hơn nhờ thời tiết thuận lợi đã góp phần làm giảm 8% lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch. Việc cắt giảm khí thải trong các lĩnh vực như công nghiệp và vận tải chiếm 36%.
Tuy nhiên, các số liệu này không bao gồm những lĩnh vực như nông nghiệp, các quy trình như sản xuất xi măng hoặc những loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác như metan. Các nhà phân tích cho rằng lượng khí thải nói chung vẫn đang giảm quá chậm.
Chuyên gia Sarah Brown thuộc tổ chức tư vấn năng lượng sạch Ember cho biết, sự suy giảm đáng kể lượng khí thải của EU – đặc biệt là từ ngành điện – cho thấy khối này đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch vốn đắt đỏ và nhiều rủi ro. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng do xu hướng điện khí hóa mở rộng trong những năm tới, việc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng phải theo kịp tốc độ chuyển đổi này.
Để góp phần kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu, EU đã cam kết sẽ cắt giảm 55% lượng khí gây ô nhiễm vào cuối thập kỷ này so với mức của năm 1990, trước khi đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các nhà lập pháp EU ngày 10/4 đã thông qua luật đặt ra giới hạn phát thải khí metan đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt vào châu Âu từ năm 2030, gia tăng áp lực buộc các nhà cung cấp quốc tế phải kiểm soát rò rỉ loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả CO2 này.
Việc đặt ra quy định giới hạn mới với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt cũng là một phần của đạo luật đầu tiên tại EU nhằm cắt giảm lượng khí thải metan, bao gồm lượng khí thải metan trực tiếp từ các ngành dầu mỏ, khí hóa thạch và than đá cũng như từ khí metan sinh học khi được bơm vào mạng lưới khí đốt.
Theo đó, đối với ngành dầu mỏ và khí đốt, các đơn vị khai thác phải phát hiện và sửa chữa rò rỉ khí metan. Các hãng phải nộp chương trình phát hiện và sửa chữa rò rỉ khí metan cho những cơ quan quản lý quốc gia trong vòng 9 tháng kể từ ngày quy định có hiệu lực, thực hiện khảo sát phát hiện và sửa chữa rò rỉ lần đầu tại các địa điểm hiện có trong vòng 12 tháng.
Với than đá, các nước EU phải liên tục đánh giá và báo cáo lượng khí thải metan từ việc vận hành những mỏ dưới lòng đất và từ các mỏ trên mặt đất. Ngoài ra, các nước sẽ phải thiết lập một bản kiểm kê công khai những mỏ đã đóng cửa hoặc bỏ hoang trong 70 năm qua và đo lượng khí thải từ các mỏ, ngoại trừ những mỏ đã bị ngập lụt hơn 10 năm.
Do nhập khẩu chiếm hơn 80% lượng dầu và khí đốt tiêu thụ ở EU, các nhà lập pháp cũng nhất trí đặt ra những yêu cầu đối với dầu, khí đốt và than nhập khẩu. Kể từ ngày 1/1/ 2027, các nhà nhập khẩu sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về giám sát, báo cáo và xác minh tương ứng ở cấp độ sản xuất.
Minh Trang (Theo Reuters)