Nhu cầu điện khổng lồ để cung cấp năng lượng cho công nghệ AI đang buộc Mỹ phải dựa vào than, nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm trong thời gian lâu hơn dự kiến. Ngày “nghỉ hưu” của các nhà máy điện than già cỗi ở Mỹ đang bị đẩy lùi khi các lo ngại về độ an toàn của lưới điện gia tăng.
Sự thay đổi trong kế hoạch ngừng khai thác điện than nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan ngày mà chính quyền Tổng thống Joe Biden phải đối mặt. Mỹ đang chạy đua để dẫn đầu về AI và đưa hoạt sản xuất về nước. Điều đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có, xung đột với các mục tiêu khử carbon của nước này. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, cứ mỗi phản hồi, ứng dụng ChatGPT của OpenAI sử dụng lượng điện gần gấp 10 lần so với công cụ Google.
Theo số liệu cập nhật của S&P Global Commodity Insights, khoảng 54GW tài sản điện than của Mỹ, khoảng 4% tổng công suất điện của cả nước, dự kiến ngừng hoạt động vào cuối thập niên này. Con số đó giảm 40% so với kế hoạch mà các nhà điều hành nhà máy điện than ở Mỹ đặt ra vào năm ngoái
“Bạn không thể thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. Để trở thành người đi đầu trong lĩnh vực AI, chúng ta cần phải nỗ lực duy trì các nguồn điện mà chúng ta có”, Joe Craft, CEO của Alliance Resource Partners, một trong những nhà sản xuất than lớn nhất của Mỹ nói.
Các công ty vận hành nhà máy điện than ở Mỹ đang kéo dài thời hạn đóng cửa nhà máy. Tuần trước, Alliant Energy thông báo đẩy lùi kế hoạch chuyển đổi nhà máy điện than ở Wisconsin sang điện khí từ 2025 sang năm 2028. Đầu năm nay, Công ty điện lực FirstEnergy thông báo từ bỏ mục loại bỏ dần nhiệt điện than vào năm 2030, với lý do lo ngại không phát triển đủ nguồn điện mới, sạch hơn để thay thế kịp thời. FirstEnergy đang vận hành hai nhà máy điện than ở bang Virginia
Hãng tư vấn Grid Strategies dự báo mức tăng trưởng nhu cầu điện của Mỹ sẽ đạt 4,7% hàng năm trong 5 năm tới, gần gấp đôi dự báo đưa ra hồi năm ngoái. Lý do là nhu cầu tăng thêm từ năng lực sản xuất và công nghiệp mới cũng như từ các trung tâm dữ liệu cung cấp năng lượng để đào tạo và vận hành AI, khai khác bitcoin và xử lý các dịch vụ đám mây.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu năng lượng điện, trụ sở ở Washington, công bố hôm 29-5, các trung tâm dữ liệu sẽ chiếm 9% nhu cầu năng lượng của Mỹ vào năm 2030, cao hơn gấp đôi mức hiện tại.
Nhà Trắng đặt mục tiêu đưa mức phát thát carbon ròng của ngành điện về zero vào năm 2035. Tháng trước, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) hoàn thiện các quy định gây tranh cãi nhằm loại bỏ dần các nhà máy điện than bắt đầu từ năm 2032 trừ khi những nhà máy này được lắp đặt hệ thống thu hồi carbon tốn kém.
EPA cho rằng, các quy định này sẽ giúp ngành điện có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu với giá cả phải chăng đồng thời giảm gây ô nhiễm. Bang Indiana đang dẫn đầu một nhóm gồm 25 bang trong một vụ kiện nhằm ngăn chặn các quy định của EPA.
“Chúng ta cần nhiều năng lượng hơn chứ không phải ít hơn. Đất nước chúng ta không thể để thua trong cuộc chiến AI”, Thống đốc bang Indiana, Eric Holcomb nói với tờ Financial Times.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), điện than của Mỹ đang trong xu hướng suy giảm dài hạn, chiếm 16% nguồn cung điện của cả nước vào năm ngoái. Tỷ lệ này giảm từ mức gần 40% vào năm 2014. EIA dự đoán, sản lượng điện than của Mỹ sẽ giảm thêm 4% trong năm nay và tỷ lệ công suất hiệu dụng tại các nhà máy điện than vẫn ở mức thấp.
“Lùi ngày đóng cửa không có nghĩa là các nhà máy điện than sẽ được sử dụng tối đa công suất”, Seth Feaster, nhà phân tích dữ liệu của Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (Mỹ) nói.
Chánh Tài (Theo Financial Times)