Liên minh châu Âu (EU) không xem nhiên liệu được sản xuất dựa vào các sản phẩm nông nghiệp như dầu đậu nành và nhiên liệu sinh học ethanol làm từ bắp là SAF. Ngược lại, Mỹ cho phép sử dụng sử dụng nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ bắp và đậu nành để sản xuất SAF.
Các chính phủ trên thế giới đang thúc đẩy nhanh hoạt động sản xuất SAF các biện pháp khuyến khích hào phóng và các yêu cầu nghiêm ngặt về lộ trình chuyển sang sử dụng SAF của các hãng bay.
Tuy nhiên, vấn đề đang khiến các hãng bay và nhà sản xuất SAF bối rối là cuộc tranh luận về thành phần nhiên liệu cung cấp năng lượng cho máy bay. Hiện nay, quan điểm được chấp nhận phổ biến là dầu ăn đã qua sử dụng có thể được sử dụng để sản xuất SAF.
Thế nhưng, tình trạng dầu ăn phế thải nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài vào Anh làm dấy lên hoài nghi có khả năng đây là dầu nguyên chất, tức chưa bao giờ thực sự được sử dụng để nấu ăn. Vì vậy, chính phủ Anh đã áp đặt giới hạn về sản lượng SAF có thể được tạo ra bằng dầu ăn phế thải.
Châu Âu không chấp nhận SAF sản xuất từ cây lương thực
Tranh cãi về các thành phần sản xuất SAF đang nổi lên giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Theo định nghĩa của EU, SAF bao gồm nhiên liệu tổng hợp, nhiên liệu sinh học và nhiên liệu carbon tái chế (RCF). SAF tổng hợp được sản xuất bằng cách kết hợp hydro xanh với khí CO2 để tạo ra nhiên liệu lỏng cho máy bay. Nhiên liệu sinh học hàng không được sản xuất từ phụ phẩm nông lâm nghiệp, tảo, hoặc dầu ăn, mỡ động vật đã qua sử dụng. RCF là nhiên liệu được tái chế từ chất thải có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch như rác nhựa, khí thải từ các nhà máy sản xuất năng lượng hay các quy trình sản xuất công nghiệp.
EU không xem nhiên liệu làm từ các nguyên liệu thô “dựa trên cây lương thực” như ethanol sản xuất từ bắp và mía, dầu đậu nành hay bất bất kỳ thứ gì có thể được sử dụng làm thực phẩm cho con người, là SAF. Các nhà quản lý ở EU lo ngại, việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp để sản xuất SAF sẽ làm tăng nhu cầu, dẫn đến nạn phá rừng hoặc đất nông nghiệp sản xuất lương thực bị chuyển sang sản xuất nhiên liệu.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ định nghĩa SAF là “nhiên liệu sinh học được sử dụng để cung cấp năng lượng cho máy bay có các đặc tính tương tự như nhiên liệu máy bay truyền thống nhưng có dấu ấn carbon thấp hơn”.
Mỹ áp dụng chính sách khuyến khích SAF bằng các khoản tín dụng thuế từ 1,25 đến 1,75 đô la Mỹ cho một gallon (3,79 lít) SAF giúp tiết kiệm lượng khí thải trong vòng đời (từ lúc sản xuất đến phân phối) từ 50% trở lên so với nhiên liệu máy bay truyền thống. Điều này mở ra cánh cửa để các nhà sản xuất SAF dựa vào nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ bắp và đậu nành nhận được tín dụng thuế.
Các hãng hàng không, nhà đầu tư và nhà sản xuất SAF bị kẹt ở giữa trong cuộc tranh cãi này.
Theo John Dees, nhà khoa học cấp cao về khử cacbon của Carbon Direct, nhà tư vấn quản lý phát thải carbon, với nhiều hãng hàng không, doanh nghiệp không biết loại SAF đã mua có đúng quy định hay có được chấp nhận theo tiêu chuẩn tự nguyện hay không.
Mức độ giúp giảm phát thải của SAF làm từ từ nhiên liệu sinh học dựa vào cây lương thực như bắp và đậu nành cũng còn tranh cãi.
“Theo Chỉ thị về năng lượng tái tạo của EU, chúng tôi thống nhất ngưỡng giảm phát thải khí nhà kính tối thiểu là 65% đối với nhiên liệu sinh học”, một đại diện của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU nói và nhưng cho rằng, hầu hết nhiên liệu sinh học được sản xuất từ cây lương thực và thức ăn chăn nuôi, khó có thể đáp ứng được ngưỡng này.
SAF sẽ đắt đỏ hơn vì quy định nghiêm ngặt của EU
Bắt đầu từ năm 2025, các chuyến bay cất cánh từ các sân bay ở EU sẽ bị bắt buộc nạp ít nhất 2% SAF bên cạnh nhiên liệu thông thường. Tỷ lệ này tăng lên tới 20% vào năm 2035. Quy định này được gọi là ReFuelEU, áp dụng cho tất cả các hãng hàng không hoạt động ở không phận EU, bao gồm các hãng bay ngoài khối này. Cuối cùng, ReFuelEU sẽ bắt buộc nhiên liệu máy bay pha trộn với một mức tối thiểu SAF tổng hợp, có chứa carbon thu giữ từ khí quyển.
Những người chỉ trích chính sách của EU cho rằng, bằng cách loại trừ nhiên liệu SAF dựa trên cây lương thực, quy định ReFuelEU sẽ khiến chi phí sản xuất SAF trở nên đắt đỏ. “Bay từ châu Âu có thể tốn kém hơn”, Tom Michels, giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ của hãng hàng không United Airlines (Mỹ) nói khi đề cập đến quy định ReFuelEU của EU.
Nic Lockhart, đối tác của hãng Sidley cho biết, tín hiệu ở Mỹ là khuyến khích đầu tư vào bắp và đậu nành để sản xuất SAF dựa vào nhiên liệu sinh học. Trái lại, EU đang thúc đẩy sử dụng SAF tổng hợp, có chi phí sản xuất tốn kém hơn nhiều. Mục đích của EU là tránh nguy cơ nhu cầu SAF làm từ nhiên liệu sinh học đe dọa hoạt động sản lương thực.
“Sự khác biệt về quan điểm giữa Mỹ và châu Âu đang làm suy yếu hoạt động đầu tư sản xuất SAF vì các cơ quan quản lý của hai bên đang dẫn dắt các nhà đầu tư theo những hướng khác nhau”, Lockhart nói.
Các khách hàng doanh nghiệp đang tìm cách giảm tác động của việc di chuyển bằng đường hàng không của nhân viên cũng đang phải đối mặt với sự không chắc chắn về việc sản phẩm SAF nào sẽ đủ điều kiện cho thị trường bù đắp carbon tự nguyện còn non trẻ.
Trong khi đó, các nhà sản xuất SAF đang trong tình trạng kinh doanh khó khăn. Trong tháng vừa qua, Fulcrum BioEnergy, có trụ sở tại bang California, đứng trên bờ vực phá sản dù đã huy động được hơn 1 tỉ đô la Mỹ để sản nhiên liệu sinh học từ rác thải sinh hoạt.
Gevo, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại bang Colorado, có số lượng SAF cam kết lớn nhất cho khách hàng, có nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi sàn Nasdaq do giá cổ phiếu rơi xuống mức thấp dưới 1 đô la trong 30 ngày liên tiếp.
LanzaTech, công ty sở hữu 25% cổ phần của LanzaJet, một công ty khởi nghiệp sản xuất SAF từ ethanol, vẫn chưa có lợi nhuận từ mảng kinh doanh SAF.
LanzaJet, Hiệp hội nhiên liệu tái tạo Mỹ, nơi Gevo là thành viên, và các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu ethanol khác ở Mỹ đã tham gia vụ kiện do các nhà sản xuất ethanol của EU khởi xướng để phản đối quy định ReFuelEU.
Khánh Lan (Theo WSJ)