Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 6/6, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) điều tra vấn đề phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của các nhà máy thép và nhôm.
Yêu cầu điều tra được đưa ra theo Mục 332 của Đạo luật Thuế quan năm 1930.
Cuộc điều tra bao gồm khảo sát các công ty sản xuất thép và nhôm của Mỹ, yêu cầu họ cung cấp dữ liệu về quyền sở hữu nước ngoài và lượng khí thải chưa được báo cáo cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường.
Cuộc điều tra này nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương về một “thỏa thuận toàn cầu” để giải quyết vấn đề phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Hồi tháng 10/2021, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động các cuộc đàm phán về “Thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững” như một phần của thỏa thuận khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden thay thế thuế quan theo Mục 232 đối với thép và nhôm từ châu Âu bằng hạn ngạch thuế quan.
Thỏa thuận quy định rằng trước tháng 10/2023, hai bên sẽ nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán về việc thành lập một “trật tự toàn cầu giải quyết mật độ carbon và tình trạng dư thừa công suất.”
Trong cuộc họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ-EU vào tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis đã tái khẳng định thời hạn đàm phán trước tháng 10 tới.
Trước đó, ngày 11/11/2022, phiên họp với chủ đề “Ngày khử carbon” thuộc Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giảm lượng khí phát thải, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất thép, dầu mỏ, khí đốt và phân bón.
Phát biểu tại phiên họp, Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry cho rằng: “Cuộc khủng hoảng khí hậu đang hiện hữu và chúng ta cần xem xét từng khía cạnh của giải pháp, bao gồm cả quá trình khử carbon trong các lĩnh vực công nghiệp vốn là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu”./.
(TTXVN /Vietnam+)