Mua đồ cũ đã qua sử dụng gần như đã trở thành một văn hóa ở Na Uy. Quốc gia Bắc Âu này có hẳn một đạo luật về đồ “second-hand” để “vừa tốt cho môi trường vừa tốt cho ví tiền của người dân”.
Đạo luật đồ “second-hand”
Mới đây, Na Uy đã cải cách luật mua bán đồ cũ để thúc đẩy tính bền vững và mở ra cơ hội khởi nghiệp cho người dân trong nền kinh tế tuần hoàn.
Việc nới lỏng quy định diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về tác động môi trường của việc sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may, khi người Na Uy nhập khẩu 88.233 tấn quần áo và giày dép chỉ riêng trong năm 2022.
Luật về hoạt động thương mại đối với các mặt hàng đã qua sử dụng và thải bỏ, thường được gọi là “luật thương mại đồ cũ”, được thông qua lần đầu vào năm 1999 và được sửa đổi lần cuối vào năm 2015.
Tuy nhiên luật này đã bị nhiều người cho là lỗi thời, trở thành rào cản lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng đã qua sử dụng, như quần áo, đồ nội thất, đồ điện tử tiêu dùng và dụng cụ thể thao.
Luật cũ yêu cầu các cửa hàng bán đồ “second-hand” phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt, ví dụ phải chấp thuận các yêu cầu bắt buộc của cảnh sát, phải ghi chép chi tiết mọi mặt hàng, và hàng hóa phải được lưu kho ít nhất hai tuần trước khi được bán hoặc tái sử dụng.
Từ khi đề xuất mới có hiệu lực ngày 1/7/2024, các hạn chế này đã được dỡ bỏ đối với hầu hết các mặt hàng đã qua sử dụng, trừ hàng hóa là ô tô, đồ văn hóa, đá quý và kim loại.
“Tôi rất vui vì những thay đổi trong luật có hiệu lực từ ngày 1/7. Đây là một ngày đẹp cho môi trường và ví tiền của bạn”, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Na Uy Cecilie Myrseth nói với báo chí nước này.
Biến rác thải thành tài nguyên
Câu chuyện trên chỉ là một trong nhiều cách Na Uy thúc đẩy vai trò và trách nhiệm của người dân trong nền kinh tế tuần hoàn.
Bí quyết thành công của Na Uy là “tạo điều kiện thuận lợi để mọi người đều có thể tham gia thực hiện” – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ với Tuổi Trẻ trước thềm sự kiện Ngày Bắc Âu: Tiến tới mục tiêu xanh tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh (GEFE 2024) diễn ra ở TP.HCM.
Gần như không rác thải nào là không thể tái chế ở Na Uy. Đầu tiên, rác thải sinh hoạt như rác hữu cơ, thực phẩm và nhựa sẽ được người dân chủ động phân loại tại nhà để chính quyền thành phố thu gom.
Sau đó, rác thải sẽ được xử lý để tạo ra nhiều tài nguyên có giá trị. Đại sứ Hilde Solbakken cho biết khi phân hủy, rác thải sẽ sản sinh ra khí methane có thể sử dụng làm nhiên liệu cho xe buýt thay cho dầu diesel, carbon dioxide thu được có thể được sử dụng để bổ sung cho cây trồng, trong khi phần rác còn lại sẽ được biến thành phân bón hữu cơ cho nông nghiệp.
Rác thải cũng không còn là gánh nặng với người dân khi các thiết bị điện tử cũ hỏng như TV, máy hút bụi… hoàn toàn có thể tái chế do chứa nhiều kim loại và các khoáng chất hữu ích.
Chẳng hạn, trong một chiếc điện thoại có thể có tới 60 loại khoáng chất khác nhau có thể tái sử dụng. Vì lý do này, Na Uy yêu cầu các cửa hàng bán điện thoại di động thu gom các thiết bị cũ từ người tiêu dùng để đưa đi tái chế.
Na Uy được biết đến là nước đi trước 10 năm so với các nước EU khác về chống rác nhựa với tỉ lệ tái chế lên đến 97% (năm 2020), song tham vọng của quốc gia Bắc Âu này không dừng lại ở đó.
Thông qua Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan), Na Uy đang tìm cách giảm thiểu nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên mới trong sản xuất, thay vào đó là tập trung vào tái sử dụng và tái chế để tạo ra ít rác thải hơn.
Để khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tìm ra các giải pháp xanh và bền vững hơn, theo Đại sứ Solbakken, Chính phủ Na Uy đang áp dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”.
Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” được xem là bí quyết để các doanh nghiệp chịu trách nhiệm với môi trường vì sự phát triển bền vững.
“Nếu bạn nói với một công ty rằng họ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của sản phẩm do mình tạo ra, và phải chi trả chi phí xử lý các sản phẩm này khi nó trở thành rác thải, thì điều này sẽ là động lực để công ty đó sản xuất các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần, hoặc dễ dàng tái chế và tạo ra ít rác thải nhất có thể”, bà giải thích.
Chẳng hạn quá trình sản xuất nhựa không chỉ phát thải ra khí nhà kính mà còn tiêu thụ nguồn tài nguyên dầu thô của thế giới.
Do đó, Na Uy khuyến khích các công ty tìm kiếm những phương pháp sản xuất nhựa tiêu tốn ít tài nguyên thiên nhiên nhất có thể, đảm bảo sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng nhiều lần trước khi trở thành rác thải, đồng thời sử dụng các thành phần hóa học để đơn giản hóa quá trình tái chế.
Theo Đại sứ Solbakken, để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, điều quan trọng là phải “tạo điều kiện thuận lợi” để mọi người và các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, các ngành công nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu ở Na Uy được xem là chìa khóa giải quyết các thách thức và phát triển công nghệ mới.
Thay vì Chính phủ chỉ đơn thuần đưa ra quy định, Chính phủ còn duy trì các cơ chế để các bên liên quan này tham gia phản biện, cung cấp các dữ liệu khoa học, và đề xuất sửa đổi. Cùng với đó, Chính phủ có thể hỗ trợ khi cần thiết.
Đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản
Phương pháp quản lý nghề cá toàn diện dựa trên hệ sinh thái của Na Uy cùng các quy định nghiêm ngặt bảo vệ nguồn lợi thủy sản của nước này rất đáng học hỏi.
Na Uy xây dựng hạn ngạch đánh bắt cho từng loài cá và từng khu vực hằng năm dựa trên các báo cáo khoa học mới nhất. Để đảm bảo việc tuân thủ hạn ngạch, nước này áp dụng một hệ thống kiểm soát chặt chẽ và các cơ chế thực thi mạnh mẽ.
Na Uy cũng là đối tác lâu năm của Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, kể cả việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Thủy sản đầu tiên năm 2003. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp cũng là một hướng hợp tác mới giữa Na Uy và Việt Nam, trong đó quy hoạch không gian biển là một trong những yếu tố then chốt.
“Đây là khuôn khổ đảm bảo hoạt động hài hòa của tất cả các ngành kinh tế biển và các ngành khai thác tài nguyên biển. Cơ chế này cho phép các bên liên quan cùng tham gia lập kế hoạch và cùng khai thác dựa trên quy tắc hài hòa về lợi ích mà vẫn đảm bảo tiếp cận theo hướng dựa trên hệ sinh thái.
Điều này không chỉ quan trọng với ngành nuôi trồng thủy sản mà với cả ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong tương lai”, Đại sứ Solbakken nói.
Hiện nay, Na Uy đang hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và cam kết khoản viện trợ lên tới 250 triệu USD thông qua JETP.
Rác thải nhựa làm nhiên liệu cho lò nung xi măng
Ngành xi măng tại Na Uy đã thay thế 75% than bằng chất thải. Trong lĩnh vực này, Na Uy cũng đang hỗ trợ Việt Nam áp dụng rộng rãi công nghệ đồng xử lý trong ngành xi măng.
Việc sử dụng rác thải nhựa không thể tái chế và các loại rác thải có giá trị thấp làm nhiên liệu đốt thay cho than trong các nhà máy xi măng giúp giảm chi phí sản xuất và hạn chế việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch là than.
Việc đốt rác thải nhựa ở nhiệt độ cao trong các lò nung thay cho than sẽ phát thải ít hơn, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nhựa, đặc biệt là bài toán hóc búa về rác thải nhựa không thể tái chế và rác thải nhựa trên biển.
Thanh Hiền