Ngày 17/01, tại Thừa Thiên Huế, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Hội thảo về vai trò của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong quá trình thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích từ giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.
Ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).
Địa bàn của việc chi trả bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là nghị định quan trọng mở đầu cho việc thực hiện chi trả dịch vụ hấp thụ các-bon rừng ở Việt Nam. Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm lắng nghe những góp ý của các chuyên gia để có sự chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình ERPA.
Tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu, cán bộ của PanNature cho biết: Cộng đồng dân cư vừa là đối tượng hưởng lợi, vừa trực tiếp tham gia hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Cộng đồng, hộ gia đình nhận 68,3% tổng số tiền chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (theo số liệu của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng). Trong đó, cộng đồng, hộ gia đình là chủ rừng nhận 16,9% tổng số tiền chi trả (8,69 triệu USD); cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng nhận 51,4% tổng số tiền chi trả (26,53 triệu USD).
Thạc sĩ Nguyễn Đức Tố Lưu đề xuất, các cộng đồng cần hình thành, kiện toàn ban quản lý rừng của thôn bản với chức năng quản lý rừng và phát triển sinh kế bền vững, hướng tới tiếp nhận và thực hiện chi trả từ giảm phát thải khí nhà kính. Tuyên truyền, phổ biến thông tin về chương trình ERPA một cách rộng rãi và rõ ràng tới các cộng đồng.
Hỗ trợ năng lực kỹ thuật cho các cộng đồng trong việc tổ chức và thực hiện bảo vệ và phát triển rừng. Hỗ trợ năng lực và định hướng cho cộng đồng lựa chọn phát triển các sinh kế bền vững gắn với rừng và thị trường. Nâng cao năng lực và vai trò của cộng đồng trong việc phối hợp, liên kết với các cơ quan chức năng trong suốt quá trình lập kế hoạch, giám sát, nghiệm thu và đánh giá chương trình ERPA ở địa phương.
Quang Đức