Nền kinh tế carbon thấp đang là mục tiêu mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tích cực chuyển đổi xanh để đạt tới.
Theo ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, thời gian qua, Việt Nam là một trong những nước có tiếp cận rất nhanh các vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Chúng ta đã có nhiều chính sách đã được ban hành liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (PTBV), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Quốc hội Công nghệ và Môi trường Quốc hội chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo năm 2024 (Innovation Summit Vietnam 2024) của Schneider Electric vừa diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh.
Ông Tạ Đình Thi nêu các ví dụ cụ thể về nỗ lực thể chế hóa chính sách pháp luật để chuyển đổi và PTBV như: Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có những quy định cụ thể về lộ trình, giải pháp cụ thể xây dựng carbon thấp. Hay sau khi tham gia Hội nghị COP26 Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết với quốc tế đến 2050 đạt Net Zero (khí phát thải bằng 0)…
“Tiền đâu” là một trong những vấn đề của các doanh nghiệp trong quá trình thực thi chuyển đổi, phát triển ưu tiên bền vững. Ảnh minh họa
Nhìn nhận về các thách thức, ông cho rằng có không ít thách thức đối với quá trình chuyển đổi nền kinh tế carbon thấp, nhưng có thể khái quát cơ bản 3 thách thức chính.
3 thách thức chuyển đổi xanh
Thứ nhất, thách thức về quản trị. Theo đó, quản trị bao gồm về thể chế, pháp luật phải làm sao có chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như yêu cầu đáp ứng xu thế thế giới, nhiều cấp khác nhau từ Chính phủ, doanh nghiệp sản xuất từ lớn đến vừa và nhỏ, đến cấp độ cộng đồng.
Thứ hai, xu thế chuyển đổi công nghệ hiện nay rất nhanh chóng. Việc chuyển đổi công nghệ liên quan đến liên quan đến số hóa và điện hóa. Đó là 1 xu thế mới mà trong đó về công nghệ đòi hỏi trình độ năng lực để tiếp cận là vấn đề.
Về điện và điện lực, việc chuyển đổi tiếp cận công nghệ như thế nào, với giá thành hợp lý để đáp ứng điều kiện thực tế là quy mô của chúng ta còn khiêm tốn, thu nhập ở mức vừa phải, trong khi nghiên cứu triển khai công nghệ cần đầu tư tiến đến phải làm chủ, tự chủ. “Hiện nay trong vấn đề công nghệ, chúng ta cố gắng khuyến khích chuyển giao công nghệ, tiếp thu công nghệ mới của các quốc gia, doanh nghiệp đi trước, nhưng Việt Nam phải dần từng bước tự chủ để tiến đến ứng phó và hóa giải những thách thức có thể xảy ra”, ông Tạ Đình Thi cho biết.
Thứ ba, ông Tạ Đình Thi đặc biệt nhấn mạnh thách thức về tài chính. Để chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi nền kinh tế tiến về quỹ đạo carbon thấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng chúng ta sẽ cần lượng vốn lớn khổng lồ. Chúng ta có lợi thế về tiềm năng rất lớn, nhưng quy mô còn khiêm tốn thì làm sao để huy động được các nguồn lực cho quá trình này là không đơn giản.
Ví dụ trong ngành năng lượng – điện, vừa qua Chính phủ đã ban hành Quy hoạch Điện VIII. Tổng số nguồn lực đạt mục tiêu 2030 cần lượng đầu tư ước 120 tỷ USD Mỹ, tức mỗi năm cần cơ bản hơn 12-14 tỷ USD. Nguồn này ở đâu, huy động như thế nào, sử dụng ra sao, đây là các thách thức không nhỏ và vẫn luôn hiện hữu với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, ông nói.
Hóa giải thách thức tài chính trong chuyển đổi xanh
Theo ông Phạm Phú Trường – Phó Chủ tịch GIBC, bên cạnh các cam kết đầy quyết tâm của Chính phủ để hướng tới nền kinh tế carbon thấp cùng những quyết tâm của doanh nghiệp, cần lưu ý một số cam kết tập trung nhiều hơn cho các mục tiêu. Ông Trường cũng nhận định trong số các giải pháp để đạt được các mục tiêu, về thách thức tài chính, rất cần có các chính sách tạo ra giá trị cho thị trường nhằm khuyến khích tự động đầu tư phát triển.
Về phía doanh nghiệp, phương án tiếp cận để tối ưu chi phí và đạt kết quả cao, theo ông Trường, cần thực thi chuyển đổi kép gồm số và xanh trong cùng 1 thời điểm, bởi chúng ta thấy số hóa là đưa ra quyết định tối ưu trên cơ sở hệ thống, dữ liệu – chuyển đổi số là dữ liệu cần và đủ, không đo lường được thì không đáp ứng chuyển đổi được.
“Tôi nghĩ ở đây chúng ta đều đang nhìn thấy việc phát triển ưu tiên bền vững luôn liên quan đến tiền… Chúng tôi cũng có khảo sát và hiểu được đâu là khó khăn cản trở vươn tầm xanh của doanh nghiệp, trong đó có 94% người tham gia khảo sát cho rằng tiền đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. 45% sẵn sàng quan tâm và sử dụng các giải pháp nhưng bên cạnh đó họ sợ đầu tư không lợi nhuận, và nhiều giải pháp như vậy thì họ không biết nên dùng công nghệ nào”, ông Ông Jason Yang, Giám đốc cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững, Ngân hàng UOB Việt Nam nhìn nhận ở góc độ ngân hàng.
Theo đó, ông Jason Yang, Giám đốc cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng ở Việt Nam, thuế năng lượng là một trong những lợi thế. Điều này cũng có vai trò đối với quyết định chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp. “Ở góc độ ngân hàng, chúng tôi nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, từ việc đưa ra nhìn nhận, đánh giá để hiểu khách hàng cũng như khách hàng hiểu rõ mọi yếu tố trong đầu tư chuyển đổi xanh, phát triển ưu tiên bền vững. Chúng tôi có đội nhóm chuyên nghiệp cho nghiệp vụ này và chương trình tín dụng xanh dành riêng cho doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu vốn xanh của khách hàng. Bản thân UOB Việt Nam trong các quy trình vận hành cũng đã và đang thực hành khử carbon”, Giám đốc Phát triển Bền vững UOB Việt Nam nói.
Cân bằng giữa lợi nhuận – chuyển đổi xanh
Vậy doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế thì “e ngại” cụ thể như thế nào đối với câu chuyện phát triển ưu tiên bền vững giữa tương quan đầu tư – lợi nhuận, hay ngắn gọn là liên quan đến tiền? Trả lời câu hỏi này, chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh, ông Bolat Duisenov – Tổng Giám đốc Cotecons cho hay, xu hướng ESG hiện nay đang rất lớn. Mọi doanh nghiệp đều xanh hóa, đặt mục tiêu, KPI, các tiêu chí ESG… Tuy nhiên thách thức là ở trong một nhóm nhỏ, quy mô nhỏ, các nhà thực thi chuyển đổi xanh có thể bàn bạc với nhau, còn khi phát triển và trở thành một doanh nghiệp lớn, có KPI chỉ tiêu kinh doanh, trọng trách của Ban lãnh đạo trước có hàng ngàn cổ đông… thì việc “lậm sâu” vào chuyển đổi, số hóa, tính toán chưa hẳn đã mang lại kết quả; bởi doanh nghiệp rất có thể đi xa so với mục tiêu ESG ban đầu vì các thách thức, áp lực tài chính, chỉ tiêu lợi nhuận v.v.
“Ở Coteccons, chúng tôi có đại sứ ESG nhắc nhở mỗi ngày không được quên câu hỏi vì sao chúng tôi thực hiện ESG, cũng như cung cấp số liệu mỗi ngày để quá trình chuyển đổi không xa rời mục tiêu tăng trưởng. Hiện Chính phủ Việt Nam có cam kết rất lớn để tiến đến nền kinh tế net zero, đây là cơ hội lớn cho tư nhân, cũng là cơ hội của chính chúng tôi.
Chúng tôi có một niềm tin là Coteccons không lựa chọn giữa tăng trưởng có lợi nhuận, với phát triển bền vững và xanh hơn, mà chúng tôi đã tìm ra con đường để vẫn tăng trưởng và vẫn xanh hóa. Dự kiến cuối năm 2024, bên cạnh các giải pháp đang thực thi, qua làm việc với các bên thiết kế, khách hàng, nhà cung cấp, chúng tôi sẽ đưa ra cách tiếp cận 4 chiều từ công nghệ, giải pháp để qua đó giảm thiểu tối đa ảnh hưởng lên môi trường ở các dự án xây dựng, thi công, nhằm giữ vững tăng trưởng lẫn xanh hóa các giá trị”, Tổng Giám đốc Coteccons chia sẻ.
Một dữ liệu được ông Đồng Mai Lâm – Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam cung cấp: Có 80% biến đổi khí hậu đến từ sử dụng năng lượng.
Cũng vì vậy mà “giải pháp tiết kiệm sử dụng năng lượng hiệu quả bền vững chính là đóng góp cho con đường tương lai bền vững” được ông Pang Xing Jian, Chủ tịch Schneider khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh.
Với các giải pháp mà các bên đang nỗ lực tháo gỡ và hướng tới thực thi chuyển đổi, ưu tiên phát triển vững; cùng đóng góp của các nhà dẫn đầu chuyển đổi, số hóa, ví dụ với Tập đoàn có hơn 200 cơ sở trên toàn cầu Schneider, Chủ tịch Schneider khu vực Đông Nam Á cũng bày tỏ ông tin rằng tại Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, có động lực để đạt mục tiêu giảm carbon vào 2030, trung hòa vào 2040, hỗ trợ cho cả một hệ sinh thái Net Zero vào 2050 như mục tiêu Chính phủ đặt ra.
“Đây cũng là hành động của cả hệ sinh thái lớn chung tay giải quyết, ứng dụng chuyển đổi nhằm phát huy hiệu quả. Khi cả hệ sinh thái đều vận động chuyển đổi, thì phát triển bền vững ở trong tầm tay chúng ta”, ông Pang Xing Jian khẳng định.
Lê Mỹ