
100% xi măng của Fico-YTL đều đạt phát thải carbon thấp và được chứng nhận nhãn xanh của Singapore – SGBP là một khác biệt lớn trên thị trường Việt Nam và Châu Á.
Bà Võ Thái Xuân Thủy, Giám đốc Tiếp thị-Phát triển Bền vững FICO-YTL, đã chia sẻ lộ trình thực hiện mục tiêu này.
Bà có thể chia sẻ tiềm năng thị trường xi măng tại Việt Nam trong bối cảnh hướng đến mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050?
– Ngành xi măng Việt Nam đang thực hiện kế hoạch giảm dấu chân carbon từ 700–800 kg CO₂/tấn xi măng xuống 550 kg CO₂/tấn vào năm 2050. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, ngành sẽ giảm tiêu thụ nhiệt năng xuống dưới 730 kcal/kg clinker và điện năng dưới 90 kWh/tấn. Cùng với đó, ngành hướng đến sử dụng ít nhất 20% tro bay làm nguyên liệu thay thế vào năm 2025, và sẽ tăng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu này đòi hỏi đầu tư công nghệ và chuyển đổi xanh trên toàn ngành.
Thường có câu “trong nguy có cơ”, theo bà đâu là cơ hội lớn nhất để ngành xi măng bứt phá và tạo ra sự khác biệt?

– Nếu xem chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, thì giai đoạn 2025–2030 chính là “thời điểm vàng” để ngành xi măng bứt phá và tạo ra sự khác biệt thực sự. Giảm phát thải carbon không chỉ là yêu cầu môi trường, mà còn là giải pháp giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường biến động và chịu nhiều áp lực từ tiêu chuẩn xanh.
Cơ hội lớn nhất nằm ở việc đi trước trong đầu tư và chuẩn bị. Do triển khai chuyển đổi sớm, Fico-YTL hiện không gặp khó khăn khi thực hiện các yêu cầu như Báo cáo Phát thải khí nhà kính định kỳ. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống đo lường số hóa, báo cáo bền vững minh bạch và đội ngũ chuyên môn vững vàng. Đây là nền tảng để Fico-YTL sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon nội địa trong thời gian tới, một cơ hội mới hứa hẹn tạo ra giá trị gia tăng rõ rệt cho những doanh nghiệp tiên phong.
Ngành xi măng đang lâm vào thế cung vượt cầu năm nay. Nhưng mới đây Fico-YTL công bố chuẩn bị mở dây chuyền 2 trong năm. Liệu đây có phải là bước đi mạo hiểm không?
– Chúng tôi xác định đây là thời điểm thích hợp để đầu tư, khi các yếu tố công nghệ, môi trường và quản trị nội bộ đã sẵn sàng, nhằm đón đầu chu kỳ phục hồi của thị trường xây dựng trong những năm tới.
Fico-YTL kiên định với chiến lược “Chuyển đổi kép” gồm chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Trong giai đoạn 2019–2024, chúng tôi đã tập trung phát triển chiều sâu, cải thiện hiệu quả vận hành, số hóa toàn diện hệ thống quản lý và tăng trải nghiệm khách hàng thông qua các nền tảng công nghệ như WMS và SalesX.
Đó là nền tảng để bước vào giai đoạn phát triển mới từ 2025–2030, với mục tiêu tăng năng lực sản xuất xi măng xanh, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh và yêu cầu khắt khe hơn về môi trường từ các dự án trong nước và quốc tế.
Đây là bước đi thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường và chuẩn bị tốt năng lực cạnh tranh khi các tiêu chuẩn xanh ngày càng trở thành điều kiện tiên quyết trong ngành xây dựng.
Trong Báo Cáo Phát Triển Bền Vững năm thứ hai vừa công bố, Fico-YTL đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong lộ trình chuyển đổi xanh. Để có thành quả này, FICO-YTL đã vượt qua những thách thức nào?
– Quá trình chuyển đổi xanh của chúng tôi khá suôn sẻ nhờ sự ủng hộ của Cổ Đông và Ban Lãnh Đạo Công ty, sự đồng lòng và quyết tâm thực thi của các cấp cán bộ CNV, và sự hỗ trợ về chuyên môn, công nghệ từ tập đoàn YTL.
Lấy áp lực “phải chuyển đổi để tồn tại và phát triển bền vững” làm đòn bẩy, Fico-YTL đề ra phương án chuyển đổi xanh rất thực tế nhưng vẫn gắn liền với hiệu quả, tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng sản phẩm.
Lộ trình xanh hóa version 2.0 tiếp theo của Fico-YTL sẽ là gì?
– Lộ trình xanh hóa version 2.0 của Fico-YTL sẽ tập trung mở rộng quy mô các giải pháp giảm phát thải hiện tại, kết hợp đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và sản phẩm xi măng xanh.
Tính đến năm 2024, phát thải carbon thuần của Fico-YTL đạt 486 kg CO₂/tấn xi măng, thấp hơn cả mục tiêu quốc gia năm 2050 là 550 kg CO₂/tấn xi măng. Kết quả này đạt được nhờ hai giải pháp chính: đồng xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế, thay thế 20% nhu cầu nhiệt đốt than, và tăng sử dụng tro xỉ, giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO₂.
Trong giai đoạn tiếp theo, Fico-YTL đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế lên 30–35% vào năm 2030, đồng thời đẩy mạnh phát triển các dòng xi măng clinker thấp. Doanh nghiệp cũng đang xây dựng chuỗi sản xuất – logistics thân thiện môi trường, hướng đến tích hợp năng lượng tái tạo và bao bì xanh. Đây là bước đi chiến lược để giữ vững vị thế tiên phong về phát triển bền vững trong ngành xi măng Việt Nam.
B.G.