Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến tiêu chí môi trường, danh mục phân loại xanh cấp quốc gia và cơ quan chịu trách nhiệm xác nhận dự án được cấp nguồn vốn xanh bao gồm tín dụng xanh và trái phiếu xanh để thực thi chính sách thuận lợi và ngăn trục lợi.
Chia sẻ tại hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách” về tiến trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn vừa qua, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Shinec, một đơn vị quản lý, đầu tư các dự án khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại Việt Nam, cho biết hiện nay khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) xác lập được ba vòng tuần hoàn chính trong khu công nghiệp và thải rác công nghiệp ra bên ngoài.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty cổ phần Shinec, việc chuyển đổi của hơn 70 doanh nghiệp trong khu công nghiệp gặp nhiều vướng mắc, có tới 60 doanh nghiệp mong muốn nhưng loay hoay khi chuyển đổi để đáp ứng định hướng quốc gia. Nhiều doanh nghiệp phản ánh hành lang pháp lý phát triển nguồn vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng như chính sách riêng khuyến khích từng lĩnh vực hoạt động rất hạn chế.
Sức ép phải chuyển đổi
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là một trong những dự án thúc đẩy phát triển xanh của Hải Phòng, khi thành công sẽ là mô hình điểm để triển khai các khu công nghiệp khác trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái để phấn đấu theo tiêu chí xanh lại tốn kém nhiều chi phí như cây xanh, quỹ đất, thuê kiểm toán, tư vấn tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị)… nhưng ưu đãi hạn hẹp, thiếu vắng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Dẫn chứng thêm khó khăn, theo ông Nguyễn Hải Anh, hiện doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo chiếm áp đảo 45% vốn tín dụng ngân hàng cho vay tín dụng xanh, song doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc. Sau nhiều trì hoãn, quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua nhưng chính sách theo sau rất chậm, khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo mới chưa có.
Trong khi đó, ngân hàng cho vay căn cứ vào doanh thu, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, do đó, dù ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng các doanh nghiệp, dự án vẫn khó tiếp cận tín dụng xanh.
Thậm chí, có những doanh nghiệp hụt hơi trong tiến trình chuyển đổi, phải rời khỏi thị trường một cách đột ngột theo lời của PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Theo ông Thọ, thời gian qua, một số doanh nghiệp dệt may buộc phải rời khỏi thị trường đột ngột, dừng hoạt động vì gây khủng hoảng đến môi trường.
Lãnh đạo Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng Việt Nam đang phải giải quyết ba vấn đề mang tính toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Doanh nghiệp Việt cũng phải đối mặt với thách thức lớn khi tham gia vào luật chơi thương mại và đầu tư toàn cầu khi nước ta tham gia vào các cam kết toàn cầu cùng hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bắt buộc Việt Nam phải tuân thủ.
Gần đây nhất, tháng 10/2023, châu Âu chính thức áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thí điểm và có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 trực tiếp ảnh hưởng đến ngành xi măng, thép nhôm và phân bón. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2025, tất cả mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu sẽ không được phép có nguồn gốc phá rừng sau ngày 31/12/2020. Sắp tới, Việt Nam tham gia hiệp ước nhựa toàn cầu và phải theo dấu chân ngành nhựa.
“Các nước châu Âu đưa tiêu chí về xanh lên số 1, chất lượng số 2 và giá thứ 3. Do vậy, nếu Việt Nam không đáp ứng tiêu chí phân loại xanh sẽ gặp thách thức lớn trong thời gian tới, kể cả về tăng trưởng tín dụng hay hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thời gian tới,” lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Trước sức ép phải chuyển đổi, tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh trước ngày 31/12/2022.
“Khó khăn lớn nhất trong quá trình trình dự thảo là về phân loại xanh. Tập quán chung trên thế giới thông qua sử dụng các tổ chức độc lập. Tuy nhiên, trong tương lai, Việt Nam sẽ có chính sách hỗ trợ tín dụng xanh, trái phiếu xanh từ cơ quan quản lý, do đó, cần xác nhận từ các cơ quan quản lý để đảm bảo không có sự lợi dụng và sử dụng sai mục đích.
Còn phương án thông qua tổ chức tín dụng cũng có sự thuận lợi nhất định, thực hiện theo hướng dẫn Ngân hàng Nhà nước, song Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đánh giá việc này có thể dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Chính sách vẫn chậm chân
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo danh mục phân loại xanh trình Chính phủ. Theo đó, danh mục phân loại xanh bao gồm 9 ngành, 83 hoạt động kinh tế và dự án đầu tư xanh với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường, có đóng góp vào 8 mục tiêu môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường.
Lý giải nguyên nhân danh mục xanh đáng lẽ phải hoàn thành cách đây hơn một năm, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, giãi bày do một số nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chức năng, đến nay danh mục phân loại xanh vẫn chưa được ban hành.
Một trong những khó khăn khi xây dựng danh mục phân loại xanh là xác định lĩnh vực và ngành có thể đưa vào nhóm dự án phân loại xanh. Có 9 nhóm ngành trong danh mục phân loại xanh gồm năng lượng; giao thông vận tải; tài nguyên nước; xây dựng; xử lý chất thải; nông, lâm, thủy sản; chế biến, chế tạo; thông tin, truyền thông; chuyển đổi xanh.
Theo tính toán, Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 để thực hiện chuyển đổi xanh, đổi mới công nghệ đối phó với ba cuộc khủng hoảng toàn cầu là ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học. Chính sách chậm được ban hành gây khó khăn trong việc thiết kế và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh cũng như hoạt động tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Bởi danh mục phân loại xanh là căn cứ để ngân hàng đánh giá, xác định định mức, quy mô đầu tư để cung cấp tín dụng
Sau khi xác định lĩnh vực, ngành, bước tiếp theo là xác định tổ chức chứng nhận phân loại xanh. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác nhận dự án hoặc hạng mục của dự án thuộc danh mục phân loại xanh để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường phải thực hiện thủ tục xác nhận thông qua tổ chức này.
Dù vậy, việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh do đơn vị nào thực hiện, trách nhiệm ra sao là vướng mắc lớn nhất khiến dự thảo chưa được thông qua. Ông Thọ cho biết, hiện tại có ba đề xuất chứng nhận phân loại xanh gồm: (i) thông qua cơ quan quản lý nhà nước; (ii) thông qua tổ chức độc lập, (iii) thông qua tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý trái phiếu. Mỗi đề xuất đều có ưu và nhược điểm riêng.
Góp ý về vấn đề thẩm định, tư vấn về danh mục xanh, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng nên thuê tư vấn độc lập vì để Nhà nước thực hiện sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” vấn đề về năng lực hay lo sợ trách nhiệm cũng còn nhiều bàn cãi. Bên cạnh đó, có thể xây dựng cơ chế thẩm định minh bạch gồm đơn vị tư vấn thẩm định và hội đồng thẩm định.
Cũng theo vị chuyên gia này, quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh là vấn đề mới nên phải có cơ chế động lực đủ mạnh, do đó, cần có cả “cây gậy và củ cà rốt” khi thực thi…
Ánh Tuyết