Thị trường trái phiếu bền vững của Nhật Bản sôi động
Chính sách ESG buộc nhà đầu tư phải xem xét các ưu tiên khác ngoài lợi nhuận, đặc biệt là lợi ích môi trường khi triển khai vốn. Thế nhưng, tại Mỹ, chính sách này gần đây đã bị chỉ trích là lồng ghép các lý tưởng chính trị vào hoạt động kinh doanh.
Theo trang tin Environmental Finance, tổng giá trị phát hành trái phiếu ESG trên toàn cầu, gồm trái phiếu bền vững, trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội, đạt đỉnh khoảng 1 nghìn tỉ đô la Mỹ vào năm 2021 và giảm dần kể từ đó.
Trái lại, tại Nhật Bản, giá trị phát hành trái phiếu bền vững tăng gấp đôi trong giai đoạn 2021-2023, lên mức 6,7 nghìn tỉ yen (45,8 tỉ đô la Mỹ), theo dữ liệu của Hiệp hội nhà môi giới chứng khoán Nhật Bản (JSDA).
“Xu hướng ở Nhật Bản rõ ràng khác với xu hướng toàn cầu. Tốc độ đầu tư ESG ở đây không hề chậm lại”, Yasunobu Katsuki, nhà chiến lược bền vững cấp cao của Mizuho Securities nói.
Katsuki cho rằng, đầu tư ESG tăng trưởng mạnh mẽ một phần là nhờ năm 2020, chính phủ Nhật Ban cam kết đưa lượng phát ròng carbon về zero (Net-Zero) vào năm 2050.
Trước đây, giới doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy cần phải đóng góp vào nỗ lực khử carbon, nhưng họ không biết bắt đầu như thế nào. Katsuki cho biết, việc Tokyo thiết lập thời hạn cụ thể cho mục tiêu Net-Zero đã giúp các công ty lập kế hoạch và thực hiện những hành động cụ thể để giảm phát thải khí nhà kính.
Chính sách chuyển đổi khí hậu của Nhật Bản bao gồm một loạt các biện pháp khuyến khích đầu tư bền vững triển khai ở 22 ngành công nghiệp trong thập niên tới. Trong đó, có tăng cường sử dụng lượng hạt nhân, mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo, thực hiện cơ chế định giá carbon. Nhật Bản đặt mục tiêu huy động 150 nghìn tỉ yen (hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ) cho chiến lược này từ khu vực công và tư nhân trong 10 năm tới.
Trong năm nay, Nhật Bản trở thành nước phát hành trái phiếu chuyển đổi khí hậu có chủ quyền đầu tiên trên thế giới. Loại trái phiếu này, được Bộ Tài chính Nhật Bản đặt tên là trái phiếu GX (green transformation: chuyển đổi xanh), đòi hỏi nhà phát hành sử dụng nguồn tiền thu được để đầu tư cho các dự án giúp chuyển đổi khí hậu nhưng không nhất thiết phải “xanh”. Chẳng hạn, các dự án nhà máy nhiệt điện than có thể sử dụng tài chính chuyển đổi để đầu tư vào các công ty giảm phát thải hoặc thu giữ carbon.
Lô trái phiếu chuyển đổi khí hậu đầu tiên của Nhật Bản được bán Bộ Tài chính bán đấu giá hồi tháng 2. Trong năm nay, có bốn lô trái phiếu như vậy đã được phát hành, thu về 2.300 tỉ yen (15,7 tỉ đô la Mỹ).
Số tiền này đang được chính phủ Nhật Bản sử dụng tài trợ cho nhiều dự án và công nghệ khác nhau nhằm giúp đẩy nhanh lộ trình Net-Zero. Bộ Tài chính Nhật Bản có kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị 20 nghìn tỉ yen (137 tỉ đô la) trong thập niên tới.
Năm ngoái, hãng hàng không Japan Airlines cũng phát hành thành công lô trái phiếu chuyển đổi xanh kỳ hạn 10 năm, lợi suất 1,2%, với tổng trị giá 20 tỉ yen. Lượng đăng ký mua cao gấp sáu lần số lượng phát hành, cho thấy nhu cầu lớn của nhà đầu tư trong nước.
Số tiền này sẽ được hãng hàng không quốc gia Nhật Bản sử dụng để mua máy bay tiết kiệm nhiên liệu thế hệ mới cũng như mua nhiên liệu thay thế bền vững, hướng đến mục tiêu Net-Zero vào năm 2050,
Thúc đẩy tài chính chuyển đổi khí hậu ở châu Á
Không giống như ở Nhật Bản, xu hướng đầu tư ESG đang chững lại trên toàn cầu. Theo báo cáo của Morningstar, trong sáu tháng đầu năm, khoảng 170 quỹ đầu tư bền vững mới được thành lập trên toàn cầu, giảm so với mức 325 quỹ thành lập vào cùng kỳ năm ngoái.
Tại Mỹ, một số bang đã thông qua luật chống đầu tư ESG. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Mỹ loại bỏ nhãn ESG khỏi chức danh công việc và tên gọi của bộ phận kinh doanh nội bộ.
Tại châu Âu, sự trỗi dậy của phe cực hữu, theo chủ nghĩa dân tộc cũng như những tổn thất của các đảng Xanh trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu gần đây có thể sẽ dẫn đến áp lực chính trị gia tăng nhằm giảm bớt các quy định thúc đẩy đầu tư ESG.
Trong nhiều năm qua, châu Âu theo đuổi các chính sách vá sáng kiến đầy tham vọng về biến đổi khí hậu. Nhưng cử tri trong khu vực đang có xu hướng phản đối những chính sách này vì lo ngại về lạm phát và chi phí sinh hoạt cao.
Makiko Hashizume, chuyên gia về ESG và tài chính bền vững của Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết nhiều người dân và công ty ở châu Âu có thể muốn chấm dứt cuộc vận động đầu tư ESG và bền vững, vì các quy định liên quan ngày càng nghiêm ngặt.
“Những xu hướng này ở Mỹ và châu Âu đang gây lo ngại cho những người trong lĩnh vực tài chính bền vững như chúng tôi”, Hashizume nói.
Theo các nhà phân tích, Nhật Bản không chứng kiến tâm lý chống ESG giống như ở nước ngoài. Các cơ quan quản lý ở đây chưa áp đặt những quy định quá nghiêm ngặt về ESG. Cách tiếp cận “ôn hòa” này giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư cảm thấy ít áp lực hơn khi theo đuổi các mục tiêu khí hậu.
“Chính phủ Nhật Bản chưa làm bất cứ điều gì cực đoan có thể gây ra sự phản đối đối với xu hướng đầu bền vững. Vì vậy, tôi không nghĩ tình hình ở đây sẽ diễn ra giống như ở Mỹ hoặc châu Âu”, Hashizume nói.
Yasunobu Katsuki của Mizuho Securities cho rằng, phần lớn thị trường đầu tư bền vững ở Nhật Bản sẽ không bị ảnh hưởng bởi xu hướng phản đối ESG ở nước ngoài. Triển vọng đầu tư ESG trên toàn cầu cũng lạc quan.
“Biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và nhân quyền đã trở thành các mục trong chương trình nghị sự toàn cầu, vì vậy tôi không nghĩ xu hướng đầu tư ESG sẽ thụt lùi”, ông nói.
Do tâm lý chống ESG ở Mỹ và châu Âu, giới phân tích cho rằng, Nhật Bản có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính chuyển đổi khí hậu trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á. Trái phiếu bền vững của Nhật Bản thường bị nhà đầu tư nước ngoài chỉ trích vì áp đặt các tiêu chuẩn xanh không cao như ở châu Âu. Trước đây, không có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hào hứng với sản phẩm đầu tư ESG của Nhật Bản một phần vì lãi suất ở Nhật Bản quá thấp.
Tuy nhiên trong năm nay, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã chấm dứt chính sách lãi suất âm, đồng thời đã tiến hành hai đợt tăng lãi suất. Sự thay đổi này có thể thu hút nhà đầu tư chú ý hơn đến thị trường trái phiếu Nhật Bản.
“Tôi nghĩ thị trường đầu tư bền vữngNhật Bản có tiềm năng rất lớn”, Katsuki nói.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào cuối năm 2022, sáng kiến Cộng đồng châu Á không phát thải AZEC đã được thành lập theo đề xuất của Nhật Bản. Các thành viên AZEC bao gồm Nhật Bản, Úc, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Thông qua sáng kiến này, Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy tài chính chuyển đổi khí hậu trong khu vực.
Chánh Tài (Theo Japan Times)