Theo dữ liệu mới công bố của Morningstar, trong quí 1, nhà đầu tư rút lượng tiền kỷ lục 8,8 tỉ đô la Mỹ khỏi khỏi các quỹ ESG ở Mỹ.
Quỹ IShares MSCI USA ESG Select ETF, theo dõi hiệu suất của một chỉ số bao gồm các công ty Mỹ các đặc điểm tích cực về ESG bị rút ròng nhiều nhất, lên đến gần 2 tỉ đô la trong quí. Năm ngoái, đây là một trong 10 quỹ ESG hút vốn lớn nhất ở Mỹ.
Với quỹ IShares ESG Aware MSCI USA ETF, nhà đầu tư đã rút ròng 1,8 tỉ đô la, đánh dấu quí thứ sáu liên tiếp quỹ này bị rút ròng. Với tài sản trị giá 12,7 tỉ đô la, đây vẫn là một trong những quỹ ESG lớn nhất của Mỹ.
“Dù động lức thúc đẩy dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ ESG của Mỹ không thể định lượng chính xác nhưng có nhiều yếu tố tác động. gồm lãi suất cao, lợi nhuận trung bình vào năm 2023 và mối lo ngại về “tẩy rửa xanh” và cũng như xu hướng chính trị hóa hoạt động đầu tư vào ESG”, báo cáo của Morningstar giải thích.
Dòng tiền tháo chạy khỏi các quỹ ESG là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhà đầu tư Mỹ đang quay lưng lại với một chiến lược đầu tư bị các quan chức đảng Cộng hòa chỉ trích là “chủ nghĩa tư bản thức tỉnh” (woke capitalism) và mang bản chất “chống Mỹ”.
Đối với đảng Cộng hòa, vốn mang tư tưởng bảo thủ, quỹ ESG là một “con ngựa thành Troy”, được thiết kế để đưa các quan điểm cấp tiến về biến đổi khí hậu cũng như tính đa dạng và hòa nhập vào phòng họp hội đồng quản trị của các doanh nghiệp dưới danh nghĩa cải thiện lợi nhuận đầu tư.
Trong khi đó, nhiều lĩnh vực đầu tư cốt lõi của chủ đề đầu tư ESG như điện gió và điện mặt trời đang trải qua thời kỳ khó khăn do lạm phát và lãi suất cao, dẫn đến lợi nhuận kém, khiến nhiều nhà đầu tư xa lánh hơn.
“Các quỹ bền vững đang đối mặt với nhiều trở ngại trong vài năm qua, bao gồm giá năng lượng tăng cao, lãi suất cao và tiếng nói phản đối ESG ở Mỹ”, Hortense Bioy, giám đốc toàn cầu về nghiên cứu bền vững của Morningstar nói.
Báo cáo của Morningstar cho biết, quy mô rút vốn quá lớn từ các quỹ ESG của Mỹ khiến dòng vốn ròng chảy vào các quỹ này này trên toàn cầu chỉ đạt 900 triệu đô la trong quí đầu tiên. Các quỹ ESG ở Nhật Bản chứng kiến 1,7 tỉ đô la rút ròng. Trong khi đó, lượng vốn ở các quỹ ESG ở châu Á, cũng như Úc và New Zealand, hầu như không thay đổi. Điểm sáng duy nhất là châu Âu, nơi các quỹ ESG nhận thêm khoảng 11 tỉ đô la trong quí 1. Người tiêu dùng và các nhà chính trị châu Âu nhìn chung ủng hộ các sản phẩm xanh hơn mạnh mẽ hơn. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ban hành nhiều quy định quan tâm đến khí hậu.
Nhà đầu tư đang chờ đợi xem các cuộc bầu cử trên toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến các chính sách xanh, có khả năng tác động đến chiến lược đầu tư ESG. Ở Mỹ, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, Donald Trump và Tổng thống Joe Biden đang so kè ngang ngửa trong các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ của cử tri.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu có thể bổ sung thêm ghế cho các đảng có thái độ hoài nghi đối với các chính sách xanh.
Hortense Bioy nhận định, dòng vốn ESG chảy chậm lại trên toàn cầu phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư trước các cuộc bầu cử quan trọng ở Mỹ và châu Âu. Kết quả của các bầu cử này sẽ quyết định tốc độ triển khai các chính sách xanh trong tương lai cũng như các chính sách khuyến khích hoặc ngăn cản các hoạt động đầu tư bền vững
Morningstar cho biết thêm, dòng vốn ESG chững lại một phần là do lo ngại lạm phát và suy thoái kinh tế ở một số nước. Ngoài ra, một số nhà đầu tư đang thận trọng hơn đối với việc đầu tư vào ESG sau sự khi ghi nhận hiệu suất kém do tập trung vào chiến lược đầu tư ESG và bền vững trong năm 2022, và phân bổ vốn ít vào các công ty năng lượng truyền thống.
Khánh Lan (Theo Bloomberg, Morningstar)