Theo số liệu nghiên cứu của ngân hàng Barclays, khách hàng đã rút ròng khoảng 40 tỉ đô la Mỹ khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ESG trên toàn cầu trong năm nay. Đây là quí đầu tiên chứng kiến dòng tiền bị rút ròng khỏi các quỹ ESG.
Trong tháng 4, lượng vốn rút ròng khỏi các quỹ cổ phiếu ESG đạt mức cao kỷ lục khoảng 14 tỉ đô la. Diễn biến này đánh dấu sự đảo ngược đối với một lĩnh vực mà các nhà đầu tư đổ xô rót tiền vào trong những năm gần đây. Nhà đầu tư bị thu hút bởi các tuyên bố cho rằng các quỹ này có thể giúp thay đổi thế giới tốt đẹp hơn đồng thời có thể tạo ra lợi nhuận nhiều hơn.
Nhiều quỹ ESG bị ảnh hưởng do hoạt động kém hiệu quả của các lĩnh vực như năng lượng sạch vàọ cũng bỏ lỡ cơ hội thu lợi nhuận cao từ các công ty nhiên liệu hóa thạch mà quỹ chủ động tránh né đầu tư.
Những vụ bê bối như vụ cáo buộc “tẩy rửa xanh” tại Công ty quản lý tài sản DWS của Đức cũng ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư ESG. Hồi tháng 9 năm ngoái, DWS đồng ý trả 19 triệu đô la cho Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) để khép lại một cuộc điều tra “tẩy rửa xanh”, cáo buộc công ty này đưa ra những tuyên bố thổi phòng khía cạnh xanh và bền vững của các sản phẩm tài chính.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ cũng chỉ trích hoạt động đầu tư ESG là “cuộc vận động thay đổi xã hội mang tính đảng phái cực đoan đội lốt quản trị doanh nghiệp có trách nhiệm”. Hạ viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa kiểm soát đã yêu cầu hai công ty quản lý tài sản BlackRock và State Street cung cấp tài liệu để phục vụ cuộc điều tra cáo buộc hoạt động đầu tư ESG của họ vi phạm luật chống độc quyền.
Năm ngoái, Larry Fink, CEO của BlackRock tuyên bố công ty không sử dụng thuật ngữ ESG nữa vì thuật ngữ này hoàn toàn được “vũ khí hóa” về mặt chính trị.
Theo nghiên cứu của Barclays, dựa trên dữ liệu của EPFR Global, trong bối cảnh vấp phải ứng dữ dội của đảng Cộng hóa, trong tháng 4, nhà đầu tư Mỹ đã rút ròng 4,4 tỉ đô từ các quỹ đầu tư cổ phiếu ESG.
Tài sản của quỹ ESG lớn nhất Mỹ do BlackRock quản lý, giảm một nửa từ đỉnh cao 25 tỉ đô la vào cuối năm 2021, xuống còn 12,8 tỉ đô la vào tháng 5/2024. Năm ngoái, BlackRock đã loại quỹ ESG này khỏi danh mục cổ phiếu và trái phiếu theo tỷ lệ 60/40 phổ biến của công ty này.
Trong báo cáo hồi tháng trước, Công ty dịch vụ tài chính Morningstar cho biết, quỹ đầu tư bền vững lớn nhất của Mỹ, Parnassus Core Equity, có tài sản trị giá 28,4 tỉ đô la là một trong 10 quỹ chứng kiến thất thoát lớn nhất về mặt dòng vốn trong hai năm liên tiếp.
“Dòng vốn ESG ở Mỹ đang bị rút và đây có thể là bằng chứng cho cuộc tranh luận rất phân cực và chính trị hóa xung quanh chủ đề ESG đã làm tê liệt nhu cầu của nhà đầu tư”, Elodie Laugel, giám đốc đầu tư có trách nhiệm của Amundi (Pháp), công ty quản lý quỹ đầu tư bền vững lớn thứ hai trên toàn cầu nói.
Tuy nhiên, dữ liệu gần đây nhất chỉ ra rằng tình trạng tháo chạy khỏi quỹ ESG đã lan tới châu Âu, thành trì truyền thống của chiến lược đầu tư này. Dòng tiền rút ròng khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ESG trong khu vực là 1,9 tỉ đô la Mỹ trong tháng 4.
Khẩu vị của nhà đầu tư toàn cầu đối với chiến lược đầu ESG lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021, ngay trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến giá khí đốt và cổ phiếu nhiên liệu hóa thạch tăng vọt.
Các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh vào năm 2022 để chống lạm phát. Chi phí vay đắt đỏ ảnh hưởng đến các công ty công nghệ tăng trưởng cao, vốn thường được các quỹ ESG ưu tiên đầu tư hơn là các doanh nghiệp dầu khí.
Theo báo cáo của ngân hàng JPMorgan, trong 12 tháng qua, các quỹ đầu tư cổ phiếu bền vững trên toàn cầu đạt lợi nhuận 11%, so với 21% của các quỹ đầu tư cổ phiếu thông thường.
“Rõ ràng, thực tế là hoạt động của các quỹ ESG không được tốt trong hai năm qua. Điều này làm nản lòng một số nhà đầu tư”, Hortense Bioy, giám đốc toàn cầu về nghiên cứu bền vững của Morningstar nói.
Theo ngân hàng Barclays, trong khi các quỹ cổ phiếu ESG thất thoát vốn thì các quỹ đầu tư trái phiếu ESG ghi nhận 13 tháng liên tiếp dòng vốn chảy ròng vào, tính cho đến tháng 4. Các quỹ trái phiếu ESG trên toàn cầu đã thu hút 22 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.
Todd Cort, giáo sư tại Trường Quản lý Yale, người chuyên nghiên cứu về đầu tư bền vững, cho biết, dù chiến lược đầu tư gắn nhãn ESG có thể ngày càng không được yêu thích nhưng những thách thức xã hội và môi trường tiềm ẩn sẽ vẫn tồn tại.
“Ở hậu trường, nhà đầu tư sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để hiểu rõ những rủi ro về môi trường và xã hội. Tôi không thực sự không quan tâm lắm nếu chúng ta tiếp tục gọi những nỗ lực này là vì ESG”, ông nói.
Chánh Tài (Theo Financial Times)