Tầm nhìn xanh và quyết tâm “thép” của chủ đầu tư Đức
Với DBW, kinh doanh bền vững không chỉ là sử dụng máy móc nhà xưởng hiện đại mà còn là trải nghiệm của người lao động. Vì vậy, họ mong muốn tạo ra một nhà máy không chỉ đáp ứng các yêu cầu về sản xuất mà còn có một môi trường làm việc hài hòa với tự nhiên. Với quyết tâm kiến tạo một nhà máy xanh kiểu mẫu, chuẩn mực mới cho sản xuất may mặc, DBW đã đầu tư 25 triệu đô la Mỹ vào xây dựng nhà máy DBW tại Long An, một khoản đầu tư ấn tượng với một công trình quy mô 18.000m2. Đây là một cam kết mạnh mẽ của chủ đầu tư không chỉ với sự phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn góp phần “chấm dứt thực trạng công xưởng giá rẻ đầy rủi ro tại các quốc gia đang phát triển”, theo chia sẻ từ CEO DBW.
Để hiện thực hóa tầm nhìn của DBW, các kiến trúc sư của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Giá trị Kỹ thuật Việt (VEV) đã đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để thiết kế một nhà máy không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế mà còn phải xanh và thân thiện với người lao động?
Qua quá trình sáng tạo và đổi mới phương án không ngừng, các kiến trúc sư đã đưa ra lời giải cho nhà máy DBW. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ hiện đại, vật liệu xanh và thiết kế thông minh, bền vững theo triết lý xanh vì người lao động. Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu lên kế hoạch, đội dự án đã đặt mục tiêu đạt chuẩn công trình xanh cao nhất: LEED và LOTUS bạch kim, điều mà vốn rất ít chủ đầu tư công trình công nghiệp thời điểm đó hướng đến.
Thiết kế theo xu hướng tương lai: tối ưu công năng theo hướng cao tầng trên diện tích nhỏ
Khu liên hợp sản xuất phát triển theo chiều cao với năm tầng tọa lạc trên diện tích 15.000m2, được thiết kế hiện đại theo xu hướng nhà nhiều tầng, tối ưu hóa công năng nhưng vẫn thân thiện với người lao động, gồm nhà kho vật liệu và thành phẩm ở tầng trệt; khu vực sản xuất dệt kim, may mặc và đóng gói ở ba tầng tiếp theo; khu văn phòng; tầng trên cùng là căn-tin và các tiện ích khác cho người lao động.
Tổng thể công trình là nghệ thuật bố trí các khu vực làm việc và sinh hoạt một cách khoa học giúp tối ưu hóa không gian và tạo ra sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Mặt bằng chính hướng về mặt đường hướng Đông – Bắc, vừa thuận tiện cho giao thông của nhân viên, nhập xuất hàng vào kho mà còn tránh được hướng nóng Tây – Nam của mặt trời. Mặt dựng công trình ấn tượng, mang đậm dấu ấn thương hiệu DBW với phong cách thiết kế hiện đại, phối màu đơn giản lại tạo hiệu ứng thị giác cao.
Thiết kế tuân theo các tiêu chuẩn kiến trúc châu Âu, tập trung vào hiệu quả, hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng xanh. Mục tiêu của dự án là có thể tối ưu hóa tài nguyên và tạo ra không gian làm việc bền vững, hiệu suất cao với tác động tối thiểu đến môi trường.
Toàn bộ nhà máy được trang bị hệ thống điều hòa không khí và lọc không khí công suất lớn, đảm bảo môi trường làm việc luôn trong lành, trong đó, 98% diện tích của nhà máy được thiết kế với tầm nhìn ra bên ngoài, tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên và tạo cảm giác thoải mái cho công nhân.
Các kiến trúc sư đã khéo léo kết hợp các yếu tố công năng, thẩm mỹ và xu hướng phát triển bền vững để tạo ra một không gian mở, tràn ngập ánh sáng và gió tự nhiên, mảng xanh và năng lượng tái tạo phủ khắp tòa nhà, giúp người lao động có môi trường làm việc thoải mái nhất.
Biểu tượng xanh của nhà máy dệt may
Chủ đầu tư cho biết, DBW là nhà máy may mặc đầu tiên tại Việt Nam đạt cú đúp về chứng nhận công trình xanh chuẩn bạch kim của Việt Nam (LOTUS) và Hiệp hội Mỹ (LEED) – chứng nhận này đã trở thành nguồn cảm hứng cho kiến trúc công nghiệp Việt Nam thời điểm bấy giờ.
Để đạt được mục tiêu xây dựng một nhà máy xanh, đội ngũ thiết kế đã lựa chọn sử dụng các vật liệu liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Nổi bật trong số đó là tôn COLORBOND® – một loại vật liệu sở hữu công nghệ mạ tiên tiến, chống ăn mòn vượt trội, cực kỳ phù hợp cho ứng dụng mái solar trên mái của tòa nhà.
Phần mái của DBW sử dụng tôn COLORBOND® tích hợp với công nghệ Thermatech®, đáp ứng các tiêu chuẩn về công trình xanh của Mỹ. Hệ số SRI cao trên 80 giúp giảm nhiệt độ mái nhà đến 6oC, giảm chi phí năng lượng làm mát lên đến 15% mỗi năm. Ngoài ra, vật liệu mái BlueScope hỗ trợ tích hợp hệ thống tấm pin mặt trời, đảm bảo độ bền kết cấu đồng thời giảm tổng trọng lượng mái nhà.
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Tư vấn Công trình xanh Green Việt: “Dự án đã thể hiện rõ ba xu hướng nổi bật của kiến trúc công nghiệp hiện đại: công năng hoàn hảo, thẩm mỹ tinh tế; phát triển bền vững, thiết kế hướng đến các tiêu chuẩn xanh cao nhất ngay từ đầu, và thiết kế cao tầng tối ưu, tận dụng tối đa diện tích đất. Góp phần lớn cho thành công này chính là cách VEV ứng dụng vật liệu xanh hiệu quả để hiện thực hóa ba xu hướng trên”.
Có thể nói, dự án nhà máy may mặc Đức DBW đã khẳng định việc đầu tư vào kiến trúc xanh không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế lâu dài. Trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ có nhiều hơn nữa những công trình xanh như DBW, góp phần xây dựng kiến trúc công nghiệp ngày càng xanh và đẹp bền vững.
R.O.I