Dầu hỏa điện tử, e-methane hoặc e-methanol đều là những ví dụ về nhiên liệu điện tử. Chúng được sản xuất bằng cách sử dụng điện tái tạo từ hydro và thu giữ khí thải CO2. Thông thường, các loại nhiên liệu được sử dụng trong động cơ đốt trong sẽ giải phóng CO2 vào khí quyển. Tuy nhiên, nếu lượng khí thải đó tương đương với lượng khí CO2 được lấy ra từ khí quyển để sản xuất nhiên liệu, thì về tổng thể, loại nhiên liệu đó trung hòa carbon. Công nghệ này đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và nhiên liệu điện tử vẫn chưa được sản xuất ở quy mô lớn.
Hiện hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn đang tập trung phát triển xe điện chạy bằng pin – một công nghệ đã phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, nhược điểm của pin điện là làm tăng trọng lượng của xe, dẫn đến tốn năng lượng hơn.
Một số hãng ô tô như Piech, Porsche và Mazda rất ủng hộ công nghệ nhiên liệu điện tử. Nhà máy sản xuất e-fuels cho mục đích thương mại đầu tiên trên thế giới được khai trương tại Chile vào năm 2021, với sự hỗ trợ của Porsche. Ngoài ra, BMW đã đầu tư 12,5 triệu USD vào công ty khởi nghiệp nhiên liệu điện tử Prometheus Fuels.
Tuy vậy, vẫn có những tranh cãi về liệu nhiên liệu điện tử có thực sự làm cho ngành ô tô bớt phát thải hơn?
Những người ủng hộ E-fuels cho rằng nhiên liệu điện tử cung cấp một lộ trình để cắt giảm lượng khí thải CO2 hiện có mà không cần phải thay thế chúng bằng ô tô điện.
Trong khi đó, những người phản đối chỉ ra rằng việc sản xuất nhiên liệu điện tử rất tốn kém và tốn nhiều năng lượng. Do chi phí sản xuất cao, một số người cho rằng nhiên liệu điện tử chỉ nên được dùng khi không còn lựa chọn nào khác, chẳng hạn các lĩnh vực khó khử cacbon như ngành hàng không.
Ngọc Bích