Trong năm 2023-2024, các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam đã phối hợp thực hiện kiểm toán năng lượng cho 20 doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Kết quả là có tổng cộng 366 giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được phát hiện, mang lại tiềm năng tiết kiệm năng lượng hàng năm là 144.000 TOE.
Thông tin trên được Giám đốc Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc – ông Kim Sungbok cho biết lại Hội thảo Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam được tổ chức ngày 3/12, tại Đà Nẵng.
Hội thảo là hoạt động thuộc Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam”. Dự án được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025 do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Dự án nhằm đóng góp vào mục tiêu quốc gia về giảm cường độ năng lượng bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam; đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và xã hội; giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biển đổi khí hậu.
Dự án đã tiến hành xây dựng và sửa đổi 02 định mức sử dụng năng lượng cho ngành công nghiệp giấy và thép; xây dựng và phổ biến 5 hướng dẫn kỹ thuật về hiệu quả năng lượng cho các ngành như: Giấy và bột giấy, dệt nhuộm, thép, xi măng, bia và nước giải khát.
Trong khuôn khổ dự án còn triển khai các hoạt động nâng cao năng lực liên quan tới đầu tư tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp như: Cập nhật, sửa đổi bộ giáo trình đào tạo kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng; tổ chức các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ cho 160 cán bộ quản lý năng lượng và 40 kiểm toán viên năng lượng.
Tại hội thảo, ông Quách Quang Đông – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương khẳng định: Đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề xuyên suốt trong tất cả chính sách quốc gia của Việt Nam. Trong thời gian qua, thế giới đã chứng kiến nhiều biến động làm ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường năng lượng, như: căng thẳng địa – chính trị, sự khan hiếm nguồn cung năng lượng,… Những yếu tố này không chỉ tác động đến cuộc sống mà còn khiến giá năng lượng liên tục dao động. Trong bối cảnh quốc tế, hơn 100 quốc gia, tức là gần một nửa số quốc gia trên thế giới, đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (mục tiêu Net Zero).
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (Chương trình VNEEP3). Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2030.
“Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, tổ chức, cá nhân trong nước, Chính phủ Việt Nam cũng nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế, điển hình là chính phú Hàn Quốc thông qua Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam”. Đây là một hoạt động vô cùng thiết thực nhằm đóng góp vào các mục tiêu của Chương trình VNEEP3 đối với lĩnh vực công nghiệp và cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo bà Yang Seo Hyeon – Phó Giám đốc Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và đang xây dựng nhiều chính sách phù hợp để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trên. Những nỗ lực này lan rộng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực công nghiệp. “Thời gian tới, KOICA sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, cũng như đạt được các mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững”, bà Yang Seo Hyeon khẳng định.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, với nhịp độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với sự phát triển nhanh chóng ấy, nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng ngày một gia tăng. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng mới, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Xác định được tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đã sớm hoàn thiện các khung pháp lý, bao gồm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và rất nhiều quyết định hướng dẫn thi hành. Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030 (Chương trình VNEEP3).
Theo đó, Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” bao gồm 5 hợp phần chính: Hợp phần 1: Lập dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; Hợp phần 2: Hỗ trợ thực thi quy định định mức tiêu hao năng lượng và hướng dẫn kỹ thuật về tăng trưởng xanh; Hợp phần 3: Nâng cao năng lực liên quan tới đầu tư tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; Hợp phần 4: Khảo sát, nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh; Hợp phần 5: Phổ biến tuyên truyền về các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của các tỉnh. Trong năm 2024, có 10 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm được Dự án lựa chọn thực hiện kiểm toán năng lượng bao gồm: Công ty CP Xi măng Sông Lam; Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An; Công ty CP Thép Toàn Thắng; Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển; Công ty CP Xi măng Quán Triều; Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ; Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex; Công ty CP Giấy Sài Gòn; Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper; Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe 06 bài trình bày đến từ các diễn giả Hàn Quốc và Việt Nam, tập trung vào các nội dung như: tổng quan dự án; giới thiệu các trường hợp kiểm toán năng lượng điển hình tại Hàn Quốc; chia sẻ tiến độ thực hiện hợp phần nâng cao năng lực trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng; chia sẻ kết quả xây dựng và sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng trong ngành thép và ngành giấy; giới thiệu Quỹ chia sẻ rủi ro do Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội là đơn vị điều phối.
Thông qua hội thảo, các đại biểu đã phổ biến các hoạt động, kết quả của Dự án tới cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp và toàn xã hội, nhằm thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp công nghiệp nhận diện được các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án cũng như tiếp cận các nguồn tài chính cho vay nhằm triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả nhất.
(Cổng thông tin Bộ Công Thương)