Báo cáo khảo sát của AIGCC cho biết, châu Á cần 71 nghìn tỉ đô la Mỹ đầu tư để đạt được mục tiêu đưa khí thải carbon ròng về zero (Net-Zero) vào năm 2050. AIGCC là sáng kiến hợp tác của các nhà đầu tư tổ chức ở châu Á, tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động đầu tư.
Báo cáo của AIGCC ghi nhận, nhà đầu tư trong khu vực rất quan tâm đến việc phân bổ vốn cho các công ty có lượng carbon thấp và các giải pháp năng lượng sạch theo các điều kiện chính sách phù hợp.
Đại đa số, khoảng 70% trong số hơn 200 nhà đầu tư tổ chức được khảo sát trên khắp châu Á, thừa nhận biến đổi khí hậu tạo rủi ro và cơ hội lớn. Tuy nhiên, họ đang đối mặt nhiều thách thức để quản lý hiệu quả các rủi ro và cơ hội về khí hậu phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
40% nhà đầu tư châu Á trong cuộc khảo sát đặt mục tiêu Net-Zero cho toàn bộ hoặc một phần danh mục đầu tư của họ. Nhưng AIGCC chỉ ra rằng còn khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động vì chỉ có 12% nhà đầu tư ở châu Á có kế hoạch tăng đầu tư vào các giải pháp chống biến đổi khí hậu.
Thiếu dữ liệu khí hậu chính xác, đáng tin cậy và kịp thời từ các chính phủ là rào cản lớn nhất ngăn cản các nhà đầu tư phân bổ nhiều vốn hơn cho các khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu.
“Các nhà đầu tư là thành viên của AIGCC bày tỏ mong muốn các chính phủ cung cấp dữ liệu khí hậu và phân loại rủi ro khí hậu tốt hơn. Điều này sẽ cho phép báo cáo về khí hậu có chất lượng tốt hơn, giúp nhà đầu tư phân bổ vốn nhiều hơn vào các giải pháp khí hậu”, báo cáo cho biết.
Các thách thức khác được nêu ra trong báo cáo bao gồm thiếu các định nghĩa hoặc khung pháp lý rõ ràng về các tiêu chí môi trường, quản trị và xã hội (ESG) hướng đến mục tiêu Net-Zero, thiếu công cụ để đo lường và báo cáo về mục tiêu Net-Zero hoặc tác động xanh. Ngoài ra, thiếu nhu cầu của khách hàng Net-Zero cũng là một nguyên nhân.
Trong số các giải pháp khí hậu khác nhau, nhà đầu tư châu Á quan tâm nhất đến việc tăng cường tiếp xúc với năng lượng tái tạo (63%), lưu trữ năng lượng (40%), vận tải carbon thấp (40%) và nhiên liệu phát thải thấp như hydro (40 %).
Tuy nhiên, nhà đầu tư châu Á chủ yếu xem Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản), châu Âu và Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) là những thị trường trọng điểm cho các khoản đầu tư vào giải pháp khí hậu. Chỉ có 27% nhà đầu tư cho biết sẽ hoạt động tích cực ở Đông Nam Á.
Cơ quan Năng lượng quốc (IEA) ước tính riêng Đông Nam Á cần đầu tư hàng năm khoảng 180 tỉ đô la Mỹ vào năng lượng sạch cho đến năm 2030 để duy trì quỹ đạo phù hợp với các mục tiêu khí hậu của khu vực. Trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư vào năng lượng sạch ở Đông Nam Á chỉ ở mức trung bình 30 tỉ đô la mỗi năm.
Báo cáo của AIGCC cho biết thêm, chỉ hơn 1/4 (28%) nhà đầu tư châu Á đặt ra các chính sách về tài chính chuyển tiếp (transition finance), cũng như giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tài chính chuyển tiếp đề cập đến các khoản đầu tư nhằm khử carbon ở các ngành công nghiệp phát thải cao như thép, hàng không và vận tải biển.
Cũng theo báo cáo, chỉ có 12% nhà đầu tư châu Á đưa chính sách chống phá rừng vào phương pháp đầu tư của họ.
Báo cáo lưu ý, mức độ phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch trên khắp châu Á cũng tạo ra rào cản đối với lộ trình Net-Zero. Các thị trường mới nổi trong khu vực cảm nhận rõ các rào cản này khi họ đối mặt với những thách thức trong việc tạo ra các mô hình tài trợ cho các loại năng lượng sạch, thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Theo Rebecca Mikula-Wright, CEO của AIGCC, các nhà đầu tư tổ chức hiểu rằng rủi ro và cơ hội về khí hậu cũng là rủi ro và cơ hội tài chính.
“Chủ sở hữu tài sản, với tư cách là người quản lý vốn, nắm quyền đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Bây giờ là lúc để họ hành động để chuyển tiếp, không chỉ danh mục đầu tư của họ mà toàn bộ nền kinh tế, hướng đến mục tiêu Net-Zero”, bà nói.
Chánh Tài (Theo Business Times, The Edge)