Dự án “Nghiên cứu chẩn đoán kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam” đã được xem xét và cập nhật trên Quy hoạch Phát triển Điện Quốc gia (PDP8) đã được phê duyệt gần đây và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia (EMP) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu trên sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia (EMP) trong mối liên hệ chặt chẽ với các mục tiêu của Thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP).
Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn về kết quả sơ bộ của dự án “Nghiên cứu chẩn đoán kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam” tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông John Cotton – Giám đốc Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã nhắc lại mục tiêu chính của dự án này.
Theo ông John Cotton, ETP là chương trình có nhiều nhà tài trợ với ngân sách được huy động từ năm 2020 từ các quốc gia Đông Nam Á. ETP quan tâm đến việc đánh giá các kịch bản khác nhau trong việc thực hiện hóa các cam kết Net-Zero. Nghiên cứu này rất hữu ích để giúp Việt Nam thực hiện được cam kết của mình tại COP26.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, diện nhà tư vấn trong nước, Giám đốc điều hành của VietStar nói rằng, để đạt được mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 năm 2021, Việt Nam cần phải có các khoản đầu tư lớn và sự chuyển đổi sâu rộng tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Và dự án “Nghiên cứu chẩn đoán kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam” có ý nghĩa trong việc đóng góp những sáng kiến để Việt Nam hiện thực hóa cam kết Net-Zero vào 2050.
Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia tư vấn của E4SMA đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về các phương thức để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, bao gồm trách nhiệm của tất cả các bên liên quan như công nghiệp và giao thông vận tải, vốn là những lĩnh vực khó giảm thiểu phát thải cacbon; vai trò của năng lượng tái tạo, bao gồm cả năng lượng sinh học; tiềm năng đóng góp của khí gas với vai trò là giải pháp chuyển tiếp; nhu cầu về công nghệ tiên tiến và nhiên liệu thay thế (thu hồi carbon, hydro, nhiên liệu tổng hợp, đồng đốt co-firing); tác động cũng như các khoản đầu tư cần thiết cho nhập khẩu và việc làm. Đồng thời các phân tích độ nhạy cũng xem xét đến việc tăng tốc độ giảm thiểu phát thải theo đề xuất đã nêu trong JETP, việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và các quan điểm khác nhau về thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2 (CCUS).
Theo ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (MONRE), các phân tích độ nhạy đóng vai trò rất quan trọng “vì các nghiên cứu dựa vào các giả định vốn được căn cứ trên các văn bản mới cập nhật của Việt Nam như: Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) 2022, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (NCCS), Quy hoạch Điện VIII (PDP8) và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia.
Chia sẻ thêm quan điểm về quá trình chuyển đổi của ngành năng lượng trong kịch bản Net-Zero, ông Ramus Munch – Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch cho rằng, hội thảo lần này đã thấy rõ hơn về trọng tâm nghiên cứu so với hội thảo lần 2. Ông cũng chia sẻ thêm rằng Đan Mạch đã tạo ra 100.000 công ăn việc làm trong lĩnh vực năng lượng mới. Do đó sự trao đổi thông tin về chính sách xã hội giữa Đan Mạch và Việt Nam sẽ rất hữu ích.
Đóng góp ý kiến đóng góp tại hội thảo, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tâp đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, các doanh nghiệp trên cũng có trách nhiệm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Và báo cáo này giúp ích nhiều cho doanh nghiệp bởi họ tìm một lộ trình riêng cho mình. Các doanh nghiệp cũng nêu ra vấn đề về việc sử dụng LNG đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng tốt và phải sử dụng được lâu dài để tối ưu về mặt tài chính.
Theo ông Phạm Hoàng Lương, Trưởng dự án trong nước, các bên sẽ xem xét kỹ lưỡng và ghi nhận đóng góp từ các đơn vị liên quan nhằm triển khai kịch bản Net-Zero. “Các tổ chức tư vấn đang nỗ lực làm việc hướng tới hội thảo cuối cùng dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023”- ông Lương cho biết thêm.
Dự án “Nghiên cứu chẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam” được tài trợ bởi ETP – Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên hợp quốc – UNOPS sẽ đánh giá quá trình chuyển đổi của ngành năng lượng Việt Nam hướng đến phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero) vào năm 2050. Nghiên cứu được thực hiện bởi các tổ chức tư vấn: E4SMA (Italy), Energy Modeling Lab (Đan Mạch) và VietStar Training & Consulting (Việt Nam) với vai trò gắn kết các bên liên quan.
Ngọc Thùy