Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 11-12%, tỉnh Ninh Thuận đang chú trọng và tập trung đẩy mạnh phát triển các nhóm ngành còn dư địa phát triển; đặc biệt là ngành năng lượng, năng lượng tái tạo, qua đó tạo động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ năm 2024, tỉnh vẫn xác định năng lượng, năng lượng tái tạo là khâu đột phá bởi dư địa phát triển của ngành này lớn và chắc chắn tiếp tục có nhiều đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh trong thời gian tới.
Chính vì lẽ đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp rà soát lại những vướng mắc, khó khăn để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, đôn đốc tiến độ triển khai thi công các dự án.
Ông Võ Đình Vinh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận – cho hay năm 2024, Sở tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước gắn với Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII.
Tỉnh đẩy nhanh hòa lưới điện quốc gia 120 MW dự án năng lượng chuyển tiếp và triển khai nhanh cơ chế đấu thầu giá điện, lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công các dự án với tổng công suất 275 MW.
Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Song song với đó, tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng Phước Hòa và các dự án khác.
Đối với dự án thủy điện tích năng, ngoài dự án Thủy điện Tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW sử dụng vốn đầu tư công, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiến hành thi công, dự kiến sẽ đưa 600 MW của giai đoạn 1 vào vận hành giai đoạn 2025-2026 và đưa toàn bộ dự án vào vận hành năm 2028. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn có dự án Thủy điện Tích năng Phước Hòa, công suất 1.200 MW đang được tỉnh cho nghiên cứu và thiết kế tiền khả thi để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Dự án Trung tâm Điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam cũng đã được phê duyệt danh mục dự án, đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, những khó khăn liên quan đến giá điện hiện cơ bản được tháo gỡ, các cơ chế đấu giá, đấu thầu giá điện được Chính phủ ban hành là cơ sở để tỉnh tiến hành khởi công xây dựng 8 dự án năng lượng với tổng công suất 277 MW trong năm 2024 này, gồm dự án Điện gió Công Hải 1, giai đoạn 2 (25 MW); Điện gió Phước Nam (76 MW), Điện gió Phước Hữu (50 MW); Điện gió VN Power số 1 (30 MW), Điện gió Đầm Nại 3 (39,4 MW), Điện gió Đầm Nại 4 (27,6 MW), Thủy điện Phước Hòa (22 MW), Thủy điện Thượng Sông Ông 2 (7 MW).
Ninh Thuận đã thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án năng lượng và xem đây là một trong những ngành trụ cột ưu tiên phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của tỉnh và quyết tâm của nhà đầu tư, năm 2023, tỉnh đã điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án năng lượng tái tạo, tạo điều kiện để các dự án hoàn tất thủ tục về đầu tư, đất đai, đấu nối mua bán điện.
Trong năm 2023, Ninh Thuận đã có một số dự án năng lượng hoàn thành, phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia như: Dự án điện mặt trời công suất 120 MW (Thiên Tân 1, Thiên Tân 2); một phần Dự án điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam, công suất 85 MW; Dự án điện gió Hanbaram, công suất 93 MW và Dự án thủy điện 20 MW (hồ thủy điện Mỹ Sơn); có 2 dự án điện mặt trời công suất 120 MW (Phước Thái 2 và Phước Thái 3) đã tiến hành khởi công.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 37 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 2.576 MW; 17 dự án điện gió với công suất trên 890 MW và 8 dự án thủy điện với công suất gần 132 MW./.
Công Thử