Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, Pháp cùng các nước châu Âu đặt cược vào năng lượng tái tạo, với mục tiêu 42,5 % lượng điện năng tiêu thụ vào năm 2030. Năng lượng tái tạo được cho là giải pháp thân thiện với môi trường, nhưng việc sản xuất các loại năng lượng như điện gió, điện mặt trời lại có tác động đến hệ sinh thái xung quanh.
Hồi tháng Năm, bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp đã công bố một báo cáo về mức tiêu thụ năng lượng tái tạo, theo đó vào năm 2022, năng lượng tái tạo chiếm 20,3 % trong tổng mức tiêu thụ điện năng, tăng 1,4 % so với năm 2021. Tuy nhiên, dù có tăng nhưng Pháp vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu mà quốc gia đề ra. Nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Xanh, bà Michèle Rivasi nhận định trên mạng xã hội X (Twitter) rằng Pháp đặt mục tiêu 23 % năng lượng tái tạo vào năm 2020 nhưng đến 2022 vẫn chưa đáp ứng được. Pháp cũng là nước duy nhất trong châu Âu không đạt được mục tiêu của mình về năng lượng tái tạo và khó có thể đạt được mục tiêu mà châu Âu đề ra, 42,5 % từ nay đến năm 2030. Hôm 19/06 vừa qua, Pháp đã không được mời tham dự cuộc họp “Những người bạn của năng lượng tái tạo”, do Áo tổ chức.
Pháp dè dặt đối với năng lượng tái tạo
Trả lời với RFI, chuyên gia về năng lượng Paul Naud, giám đốc trung tâm nghiên cứu Abies, chuyên về năng lượng gió và quang điện giải thích rằng “Pháp rất dè dặt trong việc phát triển năng lượng tái tạo, dù biết rằng đó là phương tiện ít tốn kém nhất, dễ triển khai nhất”. Cách quản trị của Pháp vẫn rất thực dụng, nhưng Pháp sẽ phải sớm tìm ra giải pháp để đa dạng nguồn cung năng lượng, vì Pháp có thể sẽ thiếu điện trong những năm sắp tới”.
Một trong những biện pháp mà chính phủ Pháp đưa ra để bắt kịp mục tiêu của mình với việc ban hành luật ngày 10/03/2023, về tăng tốc sản xuất năng lượng tái tạo (APER). Kể từ khi được thông qua, đạo luật này đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trong các diễn đàn về năng lượng với câu hỏi làm sao có thể phát triển năng lượng tái tạo mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học. Tại Diễn đàn quốc gia về Năng lượng tái tạo và Đa dạng sinh học, do Liên minh Năng lượng tái tạo (SER) của Pháp tổ chức hôm 05/07, nghị sĩ Pierre Cazeuneuve cho rằng “ở Pháp, trung bình phải mất 8 năm để phát triển một cơ sở sản xuất điện gió, 12 năm để phát triển điện gió ngoài khơi, trong khi các nước láng giềng châu Âu thì nhanh gấp đôi. Mong muốn tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo đã tạo ra các trường hợp miễn trừ… liên quan đến tiêu diệt một loài vật được bảo vệ”.
Nghịch lý “thân thiện với môi trường” của năng lượng tái tạo
Chuyên gia về năng lượng tái tạo Paul Naud khẳng định rằng không chỉ ở Pháp, “mà trên phạm vi toàn cầu, có ít nhất 2 vấn đề lớn : cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học…Chúng ta biết rằng năng lượng tái tạo là cần thiết, là một trong những giải pháp chính để chống lại biến đổi khí hậu nhưng lại tác động đến đa dạng sinh học”.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để chỉ ra mối liên hệ giữa tác động của năng lượng tái tạo đối với đa dạng sinh thái, một số cho kết quả tiêu cực, một số khác thì lại tích cực. Có mặt tại diễn đàn, ông David Marchal, phụ trách về chuyển đổi năng lượng tại Cơ quan chuyển đổi năng lượng của Pháp (ADEME), nêu ra các dẫn chứng, như đập thủy điện làm thay đổi thậm chí phá hủy trầm tích của các con sông. Các cơ sở điện gió ảnh hưởng đến không gian sống của động vật xung quanh.
Tuy nhiên cũng có một số dự án có lợi cho đa dạng sinh học, ông Marchal cho biết, tại một số cơ sở điện mặt trời, “những con vật chuyên đi săn mồi xuất hiện trở lại, vì con người không tiếp cận những không gian đó, và cỏ ít khi bị cắt”. Theo một báo cáo của CLEANaction, khi xem xét toàn bộ các tác động đến môi trường, việc sản xuất, lưu trữ năng lượng tái tạo gây tổn hại tới môi trường ít hơn nhiều so với nhiên liệu hoá thạch.
Ngừng hoạt động để giải quyết vấn đề sinh thái
Nếu như các công trình sản xuất năng lượng ít phát thải carbon, dẫu sao vẫn tác động đến môi trường thì có nên dừng lại hay không ? Tổng giám đốc của World Wide Fund For Nature tại Pháp, bà Véronique Andrieux cho rằng khi lựa chọn khu vực xây dựng, “cần phải ưu tiên cho những nơi có ít tác động đến môi trường hơn, có thể là những vùng đã bị ô nhiễm, hoặc đã bị con người cải tạo, và cần tránh các khu Natura 2000 (các khu tự nhiên được bảo vệ trên lãnh thổ của Liên Âu) hoặc các vùng được biển được bảo tồn”.
Theo chuyên gia về năng lượng tái tạo Paul Naud, hiện những người trong lĩnh vực này, những chuyên gia đều biết phải làm gì để tìm ra sự cân bằng giữa phát triển năng lượng tái tạo và bảo tồn đa dạng sinh học. Tuỳ theo mỗi dự án sẽ có giải pháp khác nhau. Ông Paul Naud giải thích: “Chúng ta cần phải áp dụng một quy trình ERC – éviter, réduire et compenser, tức là tránh, giảm bớt, bù đắp. Đầu tiên, cần phải tránh các tác động có thể dự liệu được khi chọn một khu vực để khai thác năng lượng tái tạo. Thứ hai, cần phải giảm các tác động đã được dự trù, khi xem xét nơi đặt tua bin gió, chúng hoạt động ra sao. Sau đó là bù đắp những tác động còn lại theo một cách nào đó. Đây là quy trình được áp dụng không chỉ trong điện gió mà cả trong điện quang hay các cơ sở khác. Ví dụ như về tác động của điện gió đối với loài dơi. Đó là rủi ro dơi bay vào cánh của tua bin gió. Điều mà chúng ta có thể làm đó là ngừng các tua bin gió vào những thời điểm có nguy cơ xảy ra va chạm cao. Đó là vào buổi tối vì dơi hoạt động vào ban đêm. Hơn nữa, dơi cũng là loài ngủ động nên rủi ro xảy ra va chạm chỉ xảy ra một vài tháng trong năm. Ngoài ra, loài dơi thường không bay ra ngoài khi trời có nhiều gió. Khi cho ngừng vận hành các tua bin gió trong những khoảng thời gian như vậy, thì chúng ta mất đi một lượng nhỏ điện năng được sản xuất nhưng lại có thể giảm đi đáng kể các tác động đã được dự đoán đối với môi trường”.
Ngay cả khi đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đối với môi trường, khi phát triển năng lượng tái tạo, thì giải pháp kinh tế lại không được tính đến. Tại Diễn đàn quốc gia về Năng lượng tái tạo và Đa dạng sinh học, hôm 05/07 vừa qua, ông Lucas Robin-Chevallier, đại diện của EDF, phụ trách về năng lượng tái tạo cho rằng “cuộc đối thoại giữa kinh tế và sinh thái là rất khó khăn”. Ví dụ như dự án điện gió ở Camargue, miền nam nước Pháp, nằm trong khu vực hành lang di chuyển của các loài chim di cư. Các tua bin gió ngừng hoạt động trong giai đoạn chim di cư, (tức là 2 lần 3 tuần mỗi năm), thì có thể giải quyết vấn đề sinh thái. Theo ông Robin Chevallier, câu hỏi đặt ra là làm sao để vận hành được một mô hình kinh tế khi phát triển cơ sở năng lượng mà không xét đến việc gián đoạn thời gian vận hành.
Giải pháp kinh tế – sinh thái
Ngoài ra, tại Pháp, những năm gần đây, nhiều cuộc tranh luận nổ ra xung quanh việc phát triển năng lượng tái tạo, với những nghi ngờ liệu có thực sự có lợi với môi trường hay không ? Trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm 2022, ứng viên cực hữu Marine Le Pen, đối thủ của Emmanuel Macron, đã cật lực phản đối điện gió. Lúc đó, chính trị gia của đảng Tập hợp Dân tộc bày tỏ mong muốn tháo dỡ các tua bin gió đã được lắp đặt, vì cho rằng “đây là dự án phi lý về sinh thái và kinh tế”. Chương trình tranh cử mà bà Le Pen đưa ra có kế hoạch ngừng phát triển các dự án hiện có về năng lượng gió và mặt trời, khiến những người trong ngành lo ngại.
Tại diễn đàn, đại diện của Engie, bà Julia Maris đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thiết lập đối thoại với các thể chế chính trị, chính quyền địa phương và các bên liên quan về việc tìm ra một mô hình kinh tế phù hợp, để phát triển năng lượng tái tạo.“Vì các đầu tư thường đến từ giới doanh nghiệp, đầu tư vào các loại công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, nhưng nếu không có kế hoạch tài chính phù hợp, thì các doanh nghiệp có nguy cơ không thể duy trì hoạt động được các cơ sở đó và thậm chí phải đối mặt với khó khăn tài chính”.
Bà Julia Maris cho rằng “đòn bẩy tài chính là cần thiết trong giới kinh doanh”, Engie đã đầu từ 13 đến 14 tỷ euro vào năng lượng tái tạo, “nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải bảo đảm lợi nhuận” mới có thể phát triển được. Ông Lucas Robin-Chevallier của EDF kết luận rằng “việc tôn trọng đa dạng sinh học tác động đến mô hình kinh tế, tức là tác động đến giá điện bán ra”.
Chi Phương