Kiểm soát khí thải – không thể trì hoãn
Sự gia tăng của các phương tiện giao thông không những gây ra cảnh tắc đường mà còn thải ra môi trường một lượng khí thải vô cùng lớn bao gồm CO2, Nox và các hạt bụi mịn (PM2.5, PM10)… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Đã có thời điểm Hà Nội đứng đầu các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, và nguyên nhân ít nhiều nằm ở khí thải các phương tiện giao thông.
Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy tại 3 thành phố Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.
Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe môtô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TPHCM chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%. Sự tăng trưởng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, nhất là xe máy, đã khiến việc kiểm soát khí thải trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, nhiều phương tiện không được bảo dưỡng định kỳ, gây ra tình trạng khí thải vượt mức cho phép.
Ông Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hiện ở Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện xe máy. Quy định niên hạn sử dụng chỉ áp dụng cho các loại ôtô như xe tải, xe khách hay xe taxi.
Trước thực trạng trên, theo quy định mới nhất trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thì mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) phải kiểm định khí thải tại các trung tâm đăng kiểm. Quy định này sẽ phần nào kiểm soát được lượng khí thải do hàng triệu xe máy phát ra môi trường.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra để hướng tới “xanh hóa” giao thông hiện nay là cần những việc làm mạnh tay và thực chất hơn, gắn với thực tế để đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân, thay đổi và xây dựng thói quen sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường trong thời gian tới.
Nỗ lực hướng tới giao thông “xanh”
Nhìn từ thực tế, có thể thấy trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực trong việc người dân sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện, giảm lượng khí thải do xăng dầu gây ra. Chính quyền các thành phố, các doanh nghiệp đã có những bước đầu tư nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Chẳng hạn, tại Hà Nội có hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Tỷ lệ “xanh hóa” phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các doanh nghiệp và thành phố. Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.
Hà Nội cũng đã có tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động năm 2021. Với năng lực vận tải hành khách khối lớn, hiệu quả về giảm thiểu ùn tắc giao thông, tính tiện lợi trong việc đi lại bằng tàu điện ở Hà Nội đã được thấy rõ.
Việc sử dụng phương tiện “xanh” trong vận tải hành khách công cộng của Hà Nội không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang tàu điện, xe buýt.
Mới đây, ngày 2/7, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố.
Với mục tiêu từ năm 2024, thay thế, đầu tư mới 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh tại Thủ đô Hà Nội; đồng thời cũng góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ là đưa phát ròng về 0 vào năm 2050.
Còn tại TPHCM, chính quyền thành phố cũng tích cực trong việc khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường. Trong đó, thành phố dự kiến dùng ngân sách để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình để cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện. Đồng thời, tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển xe buýt năng lượng sạch. Phát triển hệ thống trạm sạc, cung cấp năng lượng điện cho xe điện tại Cần Giờ…
Có thể thấy, hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM đang rất tích cực trong việc thực hiện Chiến lược Giao thông xanh đặt ra các chỉ tiêu quan trọng để phát triển ngành giao thông vận tải hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, để có thể cán đích đúng thời hạn, các thành phố cần tiếp tục có những phương án tháo gỡ những khó khăn trước mắt, trong đó cần tập trung xây dựng mạng lưới giao thông công cộng “xanh”, tối ưu hóa và tạo điều kiện để người dân chuyển đổi phương tiện… Đặc biệt, cần thay đổi thói quen cho người dân từ việc sử dụng các phương tiện gây ảnh hưởng đến môi trường sang sử dụng các phương tiện “xanh”.
Gỡ dần những rào cản
Nhìn về tương lai xa hơn của giao thông “xanh” tại Việt Nam, có thể thấy hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết là việc mạng lưới xe buýt chưa theo kịp sự phát triển của đô thị. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thành phố hiện có 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá với 2.024 phương tiện. Trong số này có 269 xe năng lượng sạch và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.
Theo đánh giá của TS Vũ Hồng Trường – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro thì đến năm 2035 và sau đó nữa, xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ yếu nhưng sự phát triển của nó hiện nay đang không theo kịp sự phát triển của đô thị.
Hiện, xe buýt vẫn thiếu không gian lưu thông dành riêng, ảnh hưởng đến vận tốc và thời gian chuyến đi của xe buýt, khiến loại hình vận tải hành khách công cộng này còn kém hấp dẫn; hạ tầng dành cho xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí nén CNG còn thiếu trầm trọng…
Các chuyên gia cho rằng, để xe buýt phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, làm tiền đề đề hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời hướng tới mục tiêu xanh hóa, thân thiện với môi trường, Hà Nội cần những giải pháp căn cơ, hiệu quả và toàn diện.
Ngoài xe buýt, tuyến đường sắt cũng là một trong những loại hình di chuyển quan trọng giúp giảm lượng khí thải ra môi trường. TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, để người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng thì phải tăng cường chất lượng.
Theo đó, cơ quan chức năng cần hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng. Đây là bài toán phức tạp và vô cùng tốn kém nhưng không thể không làm. Trước hết ưu tiên phát triển đường sắt đô thị như: Tàu ngoại thành, tàu điện mặt đất, Metro ngầm và trên cao…
“Nếu được đầu tư, phát triển khoa học, hợp lý, thì Metro – một loại hình vận tải đường sắt khối lượng lớn, với các lợi thế sẽ là động mạch chủ của hệ thống giao thông đô thị, là yếu tố quan trọng cho mục tiêu giảm ùn tắc và ô nhiễm”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Đi cùng với việc phát triển hệ thống các loại hình phương tiện “xanh”, cũng cần đặc biệt nâng cao cho người dân ý thức sử dụng các phương tiện này để giảm việc sử dụng các phương tiện cá nhân.
Chia sẻ về chênh lệch sử dụng phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng hiện nay, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng trên thực tế vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân, nên càng gây áp lực về giao thông. Cơ cấu phương tiện giao thông chưa hợp lý, phương tiện giao thông cá nhân tăng quá mức dự kiến. Giải pháp quan trọng nhất để phát triển giao thông công cộng là hiện đại hóa lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng cần hài hòa các giải pháp để hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Một điểm khác, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục cải tiến công tác điều hành, quản lý xe buýt, taxi; phát triển xe cá nhân hợp lý theo quy hoạch.
Trong đó, muốn người dân sử dụng xe điện thì phải phát triển trạm sạc xe điện giống như xây dựng các cây xăng ở khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên, việc này vẫn còn khá mới tại thị trường Việt Nam nên gặp phải không ít khó khăn, thử thách trên thực tiễn. Do đó, để phát triển hệ thống trạm sạc xe điện một cách đồng bộ hiệu quả vẫn cần các chính sách trợ lực của Nhà nước.
Để phát triển giao thông “xanh” hướng tới mục tiêu Net Zero, trước mắt giải pháp quan trọng nhất của các thành phố lớn là phát triển giao thông công cộng và hiện đại hóa lĩnh vực này.
Thêm vào đó là cần hài hòa các giải pháp để hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Lộ trình phát triển giao thông đường bộ “xanh” hướng đến Net Zero 2050 hiện đã tương đối rõ nét, nhưng quan trọng là sự đồng bộ của hệ thống chính sách và sự đồng lòng của người dân thì mới mong có được một kết quả xứng đáng.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải: Cần thêm những chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện “xanh”
Đối với Việt Nam việc chuyển đổi giao thông “xanh” đang ở bước khởi đầu, trong khi trên thế giới, chuyển đổi xanh đã được triển khai, ở các mức độ khác nhau cũng được hơn 10 năm. Theo kinh nghiệm quốc tế, để chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng điện thành công thì tiên quyết đó là hạ tầng trạm sạc; một đồng đầu tư cho hạ tầng trạm sạc thì sẽ đem lại hiệu quả bằng 1,5 lần đầu tư hỗ trợ cho phương tiện.
Vì vậy, các nỗ lực và các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi điện của Chính phủ nên tập trung vào hỗ trợ cho việc xây dựng các trạm sạc. Cùng với đó chúng ta cũng cần phải có những chính sách để khuyến khích việc sản xuất phương tiện điện, đặc biệt là sản xuất phương tiện điện trong nước.
Hiện chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, từ thể chế, chính sách cho đến nhận thức của toàn xã hội đối với nhiệm vụ về chuyển đổi xanh.
Cho đến nay, các chính sách hỗ trợ cho việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là chuyển đổi về xe điện, về mặt chủ trương thì rất mạnh mẽ, rõ ràng, lộ trình đã có, tuy nhiên lại chỉ dừng ở một số các chính sách hỗ trợ về mặt thuế tiêu thụ đặc biệt và một số các loại thuế trước bạ. Thời gian tới cần đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ về mặt chính sách người dân chuyển đổi thành công phương tiện điện.
Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chiến dịch tuyên truyền nhận thức để xã hội có những thông tin đầy đủ, đúng đắn về những hiệu quả, lợi ích của các phương tiện điện, từ đó người dân sẽ có những ủng hộ về chuyển đổi phương tiện sử dụng điện.
Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: Tạo động lực khuyến khích “xanh hóa” phương tiện
Làm thế nào để đẩy nhanh quá trình “xanh hóa” phương tiện? Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là chính sách của Nhà nước. Chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích “xanh hóa” phương tiện, nhưng cần cụ thể hơn nữa.
Ví dụ như xây dựng hạ tầng thì khuyến khích như thế nào để các nhà đầu tư tham gia? Trợ giá như thế nào cho người dân khi họ mua và xử dụng xe điện?… Những chính sách kinh tế, xây dựng hạ tầng cho phát triển giao thông “xanh” tôi nghĩ cần phải cụ thể hơn nữa.
Ngoài việc chuyển đổi giao thông “xanh” cũng phải xây dựng hệ thống giao thông phi cơ giới. Ví dụ đường đi bộ, đường đi xe đạp… Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới họ đã lập những vùng phát thải thấp, tức là chỉ có phương tiện phát thải thấp mới được đi vào trong đó.
Người dân cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình xanh hóa phương tiện giao thông, bởi họ là những người trực tiếp tham gia giao thông.
Do vậy, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho người dân, để họ thay đổi nhận thức và thấy được lợi ích lâu dài của việc “xanh hóa” phương tiện giao thông. Chỉ cần người dân sẵn sàng tham gia giao thông “xanh” thì nhiều việc nhỏ sẽ mang lại hiệu quả lớn.
Ngọc Hà