Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Nhận thức được những tác động tiêu cực, khả năng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và thực hiện các biện pháp liên quan nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Trong đó, mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.
Thực tế, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, theo một báo gần đây, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2023, tổng công suất điện gió tăng từ 538 MW lên thành 5.059 MW; điện mặt trời tăng từ 8.852 MW lên khoảng 16.568 MW… Trên cả nước đã hình thành loạt dự án điện sinh khối, đạt khoảng 523 MW, Việt Nam đã thúc đẩy tổng công suất các loại năng lượng tái tạo toàn hệ thống tăng từ 15,6% năm 2020 lên khoảng 27,1% vào năm 2023.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, dù có trữ lượng và tiềm năng lớn, song đến nay, mức độ phát triển của năng lượng tái tạo Việt Nam đang có phần chậm lại. Bởi việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.
Đáng nói, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, sạch còn gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc như hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo biến đổi; vận hành khó khăn (thiếu nguồn linh hoạt, hệ thống lưu trữ năng lượng); thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi; vướng mắc khi thỏa thuận hợp đồng mua bán điện với các dự án điện LNG…
Trong khi đó, công nghệ – nhiên liệu xanh cho công nghiệp và giao thông vận tải như công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thị trường hóa; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon còn nhiều thách thức, giá thành cao…
Vì vậy, để tận dụng được hết tiềm năng vốn có của năng lượng tái tạo, các chuyên gia cho rằng, rất cần có những chính sách khuyến khích phù hợp, mang tính đột phá để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, để chuyển đổi năng lượng hiệu quả, cần tiếp tục đưa ra các chính sách và sửa đổi một số luật cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu tài chính này, cần kết hợp các nguồn lực, bao gồm phần hỗ trợ tài chính quốc tế, vốn đầu tư tư nhân và nguồn ngân sách nhà nước.
“Việt Nam cần tiếp tục thảo luận với các đối tác phát triển song phương và đa phương để đảm bảo nguồn tài chính có mức ưu đãi phù hợp nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng”, ông Tạ Đình Thi chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Phan Thị Sông Thương – Nguyễn Tất trường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, cần tập trung nghiên cứu, triển khai các chính sách thúc đẩy hoạt động cải tiến và phát triển khoa học – công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo, cùng các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển năng lượng tái tạo.
“Đối với nguồn vốn trong nước, cần nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước trực tiếp tham gia sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo. Để thu hút nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới, cần xây dựng hành làng pháp lý theo chuẩn quốc tế, tạo lập thị trường điện cạnh tranh hơn, mở rộng lưới điện có kiểm soát đối với nguồn năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo…”, các chuyên gia này khuyến nghị.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, ông Stuart Livesey, Thành viên Ban điều hành và đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh, EuroCham chia sẻ, hiện nay, các cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cụ thể hơn là điện gió ngoài khơi, chưa rõ ràng.
“Thực tế đã có nhà đầu tư rời khỏi Việt Nam vì thấy cơ chế chưa đủ hỗ trợ, nên họ chuyển sang thị trường khác. Hiện tại đã có nhiều công nghệ hỗ trợ và chuỗi cung cứng tại Việt Nam về điện gió đang rất tốt. Có thể học hỏi từ những điều mà chính phủ và doanh nghiệp một số nước chưa làm tốt, rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình…”, ông Stuart Livesey nhấn mạnh.
Yến Nhung