Thách thức và cam kết toàn cầu
Thế giới đang phải đối mặt với các thách thức lớn về biến đổi khí hậu, làm nguồn tài nguyên nước, rừng bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể nhất là thảm họa cháy rừng amzon năm 2019, cháy rừng do thiếu nước, các đợt hạn hán kéo dài, nhiệt độ đột ngột tăng cao, tỷ lệ thuận với nhiệt độ nóng lên chính là sự thiếu hụt của tài nguyên nước, lượng nước phục vụ sinh hoạt hay tự nhiên cũng bị cạn theo. Không những thế còn làm băng tan khiến mực nước biển dâng cao gây ra những thiên tai như lũ lụt, sóng thần hay nắng nóng kéo dài.
Những tổn thất kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu cộng với các chi phí khắc phục thiệt hại làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia và trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của Liên Hợp Quốc công bố mới đây nhận định, đến năm 2030 nền kinh tế toàn cầu có thể mất hơn 2.000 tỷ USD do biến đổi khí hậu và tình trạng nóng dần lên của trái đất. Số liệu của Tổ chức phi chính phủ Oxfam (Anh) cho thấy, các nền kinh tế đang phát triển có thể bị thiệt hại tới 1.700 tỷ USD/năm vào năm 2050.
“Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo. Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C vào cuối thế kỷ này”- bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường)- cho biết.
Để đạt được mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5°C đòi hỏi có một cam kết và hệ thống giải pháp mang tính toàn cầu và cấp thiết. Theo đó, vào tháng 12/2021 tại Hội nghị COP26, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã đưa ra cam kết mạnh mẽ để giảm mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Theo bà Mai Kim Liên, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).
Không thể đứng ngoài cuộc đua “xanh”
Theo các cam kết tại Hội nghị COP26, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam- cho biết, Việt Nam đã xây dựng các mục tiêu chiến lược cụ thể ở tầm quốc gia về biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện theo từng giai đoạn, kể từ nay cho đến năm 2050.
“Chính phủ đã xây dựng các mục tiêu chiến lược cụ thể ở tầm quốc gia về biến đổi khí hậu thực hiện theo từng giai đoạn, kể từ nay cho đến năm 2050. Mục tiêu và biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính tập trung vào 5 ngành nghề chính, bao gồm: Năng lượng, giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng và chất thải”- ông Trai nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trai, không chỉ phải đảm bảo theo các cam kết của COP26, Việt Nam hiện nay cũng đang hội nhập sâu rộng đến nền kinh tế thế giới, với 19 FTAs đã ký kết và 16 FTAs đã có hiệu lực. Tuy nhiên, cùng với những lợi thế mà FTA mang lại, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với những thách thức mới.
“Phần trăm tăng trưởng GDP, cán cân thương mại xuất nhập khẩu và FDIs là 3 chỉ tiêu quan trọng đánh giá sự phát triển của nền kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam đang gặp khó khăn về độ tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng sau đại dịch cũng như những tác động khác về địa chính trị trên thế giới…; áp lực của các FTAs và cam kết chuyển đổi xanh tiến đến Net Zero đối với quốc tế… Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối đầu với những thách thức to lớn, điển hình là một số đơn hàng dệt may của chúng ta đã chuyển dịch sang Bangladesh do thiếu tiêu chuẩn xanh, hay sự chuyển dịch của các doanh nghiệp FDI ra khỏi Trung Quốc cũng không đến được Việt Nam như là một cơ hội mới…”- ông Phạm Phú Ngọc Trai chỉ ra.
Thực tế từ các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày hay đồ gỗ gần đây đã cho thấy, nếu như trước đây, các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở những phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Cụ thể là thị trường EU đã đưa ra chính sách sử dụng sản phẩm tái chế đối với sản phẩm dệt may và tăng tốc thực thi chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững đề ra từ năm 2022 khiến doanh nghiệp Việt Nam đứng trước sức ép buộc phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để giữ đơn hàng và thị phần.
Cũng tại EU, giữa tháng 5/2023 vừa qua đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Gần đây nhất, vào cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021.
Với những yêu cầu mới mà thế giới đặt ra, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) khẳng định: “Xanh hoá” đã trở thành yều cầu tất yếu và “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và nước ngoài. Nhấn mạnh cho xu thế này, ông Hòa cho biết: Khi cầu thị trường giảm thì việc lựa chọn nhà cung cấp trở lên khắt khe hơn. Họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn, đặt ra các tiêu chí cao hơn, thậm chí đưa thành tiêu chuẩn ưu tiên rằng nhà cung cấp phải đạt chuẩn xanh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có sự chuyển động nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Tuy vậy, để công cuộc chuyển đổi xanh được thực thi hiệu quả, theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, trước tiên, chúng ta cần chuyển tải được những khái niệm, cũng như tính cấp bách của chuyển đổi xanh vào đời sống người dân; vào hơi thở kinh doanh của từng doanh nghiệp, từ đó nâng cao nhận thức và biến chuyển nhận thức thành hành động cụ thể.
Hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ tại COP26, Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương đã được đưa ra với trọng tâm tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Xây dựng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xe ô tô điện.
Trong đó, mục tiêu tổng thể của Kế hoạch là nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính cho toàn ngành Công Thương, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn như các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính như thép, hóa chất, giấy, dệt nhuộm…
Thùy Dương – Hà Duyên