Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong, hiện Petrovietnam – Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia và PV GAS đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Chiến lược phát triển hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với các cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 và thực tiễn của Việt Nam.
Với lợi thế về đường ống vận chuyển khí tự nhiên và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh khí, PV GAS được Petrovietnam giao làm đầu mối nghiên cứu các phương án sản xuất, tồn chứa, phân phối và sử dụng hydrogen phát thải thấp, đánh giá và phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hydrogen phát thải thấp. PV GAS cũng sẽ nghiên cứu các công nghệ sản xuất, vận chuyển, phân phối hydrogen phát thải thấp bao gồm hydrogen xanh và hydrogen lam.
PV GAS hiện đang phối hợp với các đơn vị trong chuỗi sản xuất của Petrovietnam để nghiên cứu, đề xuất các phương án triển khai cụ thể. PV GAS cũng đang nghiên cứu phát triển các dự án hydrogen xanh song hành cùng các dự án nhập khẩu và phân phối LNG tại Việt Nam; nghiên cứu, đánh giá các cơ hội tận dụng hạ tầng hiện hữu trong sản xuất, vận chuyển, cung cấp và xuất khẩu các sản phẩm xanh dẫn xuất của hydrogen xanh là amonia xanh, methanol, e-methane.
Do nhiên liệu hydrogen phát thải thấp còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên PV GAS đang hợp tác với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức – GIZ để đăng ký dự án thử nghiệm trong chương trình PPP (đối tác công tư) do chính phủ Đức tài trợ. PV GAS cũng trao đổi với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) về hợp tác trong lĩnh vực hydrogen phát thải thấp.
Ngoài ra, PV GAS cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, những nhà công nghệ, ngân hàng, định chế tài chính xanh trong và ngoài nước để triển khai các dự án về chuyển dịch năng lượng, sản xuất xanh.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong, thách thức lớn nhất trong phát triển hygrogen phát thải thấp không chỉ là giá thành sản xuất cao mà còn là thói quen sử dụng năng lượng truyền thống. Vì vậy, sự hợp tác giữa các bên gồm Chính phủ, các nhà công nghệ, các nhà đầu tư hạ tầng và các hộ sử dụng là rất cần thiết để phát triển được thị trường hydrogen phát thải thấp.
Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ hoặc các chính sách thuế, ưu đãi nguồn tài chính xanh cho các dự án hydrogen phát thải thấp là thực sự cần thiết để thúc đẩy việc phát triển và sử dụng nguồn nhiên liệu sạch này, từ đó góp phần hiện thực hoá mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050.
Với lợi thế về địa điểm sản xuất hydrogen xanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo khung pháp lý và môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hydrogen phát thải thấp tại Việt Nam. Cụ thể, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh đến phát triển năng lượng hydrogen.
Tiếp đó, ngày 26/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm các mục tiêu phát triển hdrogen xanh. Ngày 7/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những chính sách này nhằm tạo ra khung pháp lý và môi trường thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp H2 phát thải thấp tại Việt Nam.
Anh Nguyễn