Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 (Vietnam ESG Initiative 2023) là chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững triển khai thực hành khung đánh giá ESG. Sáng kiến được hình thành trong khuôn khổ hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Sáng kiến này là một phần của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ dự án.
Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 là một trong những nỗ lực góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 167/QD-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững. Việc áp dụng thực hành ESG sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.
Là sáng kiến đầu tiên của USAID tại Việt Nam về ESG dành cho các doanh nghiệp, sáng kiến sẽ tài trợ thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng 3 sáng kiến xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và kinh doanh bao trùm, nhằm lan tỏa các mô hình kinh doanh bền vững với tổng giá trị hỗ trợ kỹ thuật lên tới 2 tỷ đồng.
Mô hình kinh doanh áp dụng các giải pháp của mô hình kinh tế tuần hoàn
Mô hình kinh doanh áp dụng giải pháp của mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (Khoản 1, điều 142 Luật Bảo vệ Môi trường 2020).
Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 tập trung vào các cách tiếp cận và giải pháp loại bỏ lãng phí và ô nhiễm tại nguồn (upstream innovation), hướng đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững số 7, 8, 11, 12, 13, 14, 15, 17. Các doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo trong bao bì (khái niệm, định dạng, thành phần và lựa chọn vật liệu đóng gói), sản phẩm (công thức, ý tưởng, hình dạng và kích thước sản phẩm), dịch vụ và mô hình kinh doanh (mô hình phân phối, chuỗi cung ứng, địa điểm sản xuất, dòng doanh thu) để tránh phát sinh lãng phí và ô nhiễm ở các khâu:
- Thiết kế: Với mục tiêu gồm có tạo ra các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng về sau. Thiết kế trong kinh tế tuần hoàn không chỉ bao gồm thiết kế sản phẩm, mà còn cả thiết kế và tận dụng chất thải. Một số giải pháp tiềm năng bao gồm:
- Loại bỏ bao bì: Bao bì không phục vụ chức năng thiết yếu sẽ bị loại bỏ trực tiếp. Ví dụ, bao bì phim trên hộp thiếc mua nhiều lần; hay Bao bì phục vụ một chức năng thiết yếu sẽ bị loại bỏ gián tiếp thông qua đổi mới, với chức năng được thực hiện theo một cách khác. Ví dụ, lớp phủ ăn được cho sản phẩm tươi giúp kéo dài thời hạn sử dụng, loại bỏ nhu cầu đóng gói.
- Bao bì tái sử dụng được thiết kế để sử dụng nhiều lần, với mục đích dự kiến ban đầu, như một phần của hệ thống chuyên dụng để tái sử dụng. Bao bì tái sử dụng được đưa trở lại nền kinh tế thông qua việc rửa sạch toàn bộ bao bì còn nguyên vẹn.
- Mô hình kinh doanh hướng tới người tiêu dùng để tái sử dụng; chuỗi cung ứng với bao bì tài sử dụng, v.v.
- Vật liệu thay thế các vật liệu khó phân huỷ hay tạo rác thải.
- Sản xuất: Bao gồm sản xuất sạch hơn (cleaner production), giảm phát thải, và thực hiện tuần hoàn vật liệu ngay trong khâu sản xuất.
- Từ chất thải trở lại thành tài nguyên: Bao gồm tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên (recycle waste, reuse resources). Vật liệu có thể được luân chuyển thông qua quy trình kỹ thuật ‘tái chế’ hoặc thông qua quy trình sinh học ‘ủ’ (và đối với một số vật liệu, quá trình phân hủy kỵ khí).
- Hướng đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt:
Mô hình kinh doanh bao trùm
Mô hình kinh doanh bao trùm là mô hình kinh doanh huy động người thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế cho người thu nhập thấp trên cơ sở khả thi về thương mại và tạo ra các giá trị chia sẻ; trong đó, người thu nhập thấp có thể tham gia hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp với tư cách là nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ hoặc khách hàng.
- Người thu nhập thấp tham gia với vai trò người tiêu dùng/khách hàng/nhà phân phối sản phẩm và dịch vụ kinh doanh bao trùm: Người thu nhập thấp có thể tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng với giá cả phải chăng, giúp người thu nhập thấp nâng cao năng suất, tạo nguồn thu nhập mới, tạo cơ hội sinh kế mới cho người thu nhập thấp. Hướng đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8, 9, 12, và 17.
- Người thu nhập thấp tham gia với vai trò nhà cung ứng sản phẩm/dịch vụ cho mô hình kinh doanh bao trùm: Người thu nhập thấp được hỗ trợ trở thành nguồn cung đáng tin cậy hơn trong chuỗi giá trị; sử dụng đầu vào/tài nguyên bền vững hơn với chi phí thấp hơn, đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường, tiếp cận được thị trường/khách hàng mới hoặc mở rộng thị trường. Hướng đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8, 12, 13, 14, 15 và 17.
- Người thu nhập thấp tham gia với vai trò người lao động tham gia vào mô hình kinh doanh bao trùm tạo ra các giá trị chia sẻ: Người thu nhập thấp tham gia các Sáng kiến chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và bao trùm, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa thực phẩm (về mặt dinh dưỡng và/hoặc giá trị thị trường), cải thiện sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, lợi ích cho cộng đồng địa phương, hành động vì khí hậu, bảo vệ thiên nhiên môi trường; Doanh nghiệp chuyển đổi từ mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp/cổ đông sang tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan nhằm mục tiêu phát triển bền vững lâu dài, xây dựng chuỗi giá trị đa dạng hơn, bền vững hơn về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Hướng đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững số 3, 8, 10, 12, 13, 14, 15 và 17.
- Người thu nhập thấp tham gia với vai trò đồng sáng tạo (co-creator) mô hình kinh doanh bao trùm, tạo ra các giá trị chia sẻ: Người thu nhập thấp tham gia các mô hình kinh doanh theo cách tiếp cận du lịch giảm nghèo và du lịch bền vững ứng phó với tác động của COVID-19. Du lịch giảm nghèo nhằm mục tiêu gia tăng lợi ích ròng cho người nghèo/người thu nhập thấp, thúc đẩy sự liên hệ giữa các doanh nghiệp du lịch với người nghèo/người thu nhập thấp, người nghèo/người thu nhập thấp có thể tham gia một cách hiệu quả hơn trong việc phát triển sản phẩm du lịch. Du lịch bền vững nhằm mục tiêu giảm thiểu hoặc giảm nhẹ bất kỳ tác động không mong muốn nào đối với môi trường tự nhiên, lịch sử, văn hóa hoặc xã hội tại điểm đến du lịch, duy trì các lợi thế kinh tế và xã hội của phát triển du lịch, giúp tạo việc làm trong tương lai cho người dân địa phương. Hướng đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững số 1, 10, 12, 13, 14, 15 và 17.
Tìm hiểu thêm: https://main.ipsc.vn/esg