DPPA vẫn chưa có hướng dẫn triển khai
Phát biểu tại Hội thảo thường niên Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” của Báo Đầu tư, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại Heineken Việt Nam nhắc tới các khó khăn trong tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi rất kỳ vọng doanh nghiệp và các nhà cung cấp có thể tham gia sớm nhất Cơ chế Mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Nếu đối tác không thể chuyển sang năng lượng tái tạo, thì rất khó cho chúng tôi thực hiện tham vọng giảm phát thải”, bà Ánh nói.
Không chỉ Heineken Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam cũng chung mong ước này. Dẫu vậy, kể từ khi Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về DPPA được ban hành vào ngày 3/7/2024 tới nay, các bên vẫn đang chờ mong những hướng dẫn cụ thể để biết đường triển khai. “Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào của Bộ Công thương về mức phí DPPA và phí liên quan”, đại diện một quỹ ngoại làm về điện mặt trời nhận xét.
Trước đó, ngày 16/7/2024, Bộ Công thương có Công văn số 5029/BCT-ĐTĐL yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các tổng công ty phân phối điện, Công ty TNHH một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nhằm triển khai hiệu quả Nghị định 80/2024/NĐ-CP.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho hay, các cơ chế về mức phí DPPA và phí liên quan, các chính sách hướng dẫn thực hiện DPPA và cơ chế về chứng chỉ năng lượng tái tạo do cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương ban hành, chứ không phải EVN. “Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước để cập nhật tình hình hiện tại và bổ sung hướng dẫn thực hiện”, các nhà đầu tư nước ngoài nói lên mong đợi của mình.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã bắt tay vào tính toán hiệu quả nếu áp dụng DPPA sau khi Nghị định 80/2024/NĐ-CP được ban hành. Song do chưa có các mức phí chính thức và cụ thể, nên nhà đầu tư e ngại sẽ xảy việc giá mua điện năng lượng tái tạo theo DPPA cao hơn việc mua điện theo giá thị trường hiện tại cộng thêm mua chứng chỉ REC, làm tăng độ khó cho các đơn vị tham gia DPPA.
Được biết, Heineken Việt Nam đang sử dụng 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất, trong đó nhiệt năng tái tạo đến từ sinh khối và khí sinh học và toàn bộ điện năng được đảm bảo bằng chứng chỉ thuộc tính năng lượng (REC). Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại Intraco cho hay, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang áp dụng hình thức mua REC vì giá rẻ, cỡ 0,3 USD/1.000 kWh (khoảng 7,5 VND/kWh) với hình thức B2B.
Do REC thường được mua bán và sử dụng từng năm, nên hàng năm các doanh nghiệp phải đàm phán lại. “Các doanh nghiệp mua REC không lo trùng vì doanh nghiệp làm năng lượng tái tạo nào đăng ký REC thì không được đăng ký tín chỉ carbon và khi bán dùng đều có xác nhận”, ông Dũng nói.
Dẫu vậy, chuyên gia này cho hay, REC sắp không được sử dụng độc lập nữa, bởi SBTi – cơ quan theo dõi Net Zero của Liên hiệp quốc cho rằng, đã có tình trạng sử dụng các công cụ tác động thấp để giảm phát thải phạm vi 2 trong sổ sách của doanh nghiệp mà không thúc đẩy thay đổi trong thế giới thực.
Nở rộ hợp đồng thuê thiết bị
Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ dù rất được chờ trông, nhưng sau khi được ban hành vào ngày 22/10/2024, vẫn chưa đi vào cuộc sống, bởi thiếu các hướng dẫn cụ thể và chính thức.
Trong lúc chờ Bộ Công thương đưa ra các hướng dẫn, để tiếp tục triển khai các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có nối lưới, phương thức hợp đồng thuê thiết bị sản xuất điện đã ra đời. Nhiều doanh nghiệp cho thuê thiết bị cho rằng, đây là hợp đồng dân sự và chỉ liên quan đến bên cho thuê và bên thuê mà thôi.
Dẫu vậy, có phân tích cho rằng, đây thực ra là việc công ty A đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà rồi bán điện cho công ty B. Nếu việc mua bán điện này thực hiện thông qua đường dây riêng, không bám lưới điện quốc gia, thì ngành điện không cần quan tâm. Tuy nhiên, nếu bám tải zero export thì chưa đúng đối tượng được quy định trong Nghị định 135/2024/NĐ-CP và các sở công thương hoặc cơ quan pháp luật phải kiểm tra, kiểm soát vấn đề này.
Phân tích thực trạng trên, các đơn vị phân phối điện cho biết, nếu chỉ một vài hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu công suất nhỏ ở từng khu vực có nối lưới mà không bán lên lưới, thì chưa gây “sóng gió”, nhưng nếu tập trung một lượng công suất đủ lớn thì an ninh hệ thống và cấp điện phải tính toán kỹ và chi tiết.
“Hiện nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới điện quốc gia sau khi Nghị định 135/2024/NĐ-CP được ban hành. Họ không cần bán điện thừa từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của mình lên lưới, mà chỉ cần bám tải zero export và quan niệm hệ thống điện quốc gia là bể lưu trữ vô tận cho mình. Lúc mặt trời tốt thì dừng mua điện từ EVN, lúc mặt trời sập thì lấy ngay điện từ EVN cấp để duy trì sản xuất liên tục”, một chuyên gia nói.
Tuy nhiên, hệ thống điện quốc gia phải vận hành nguồn dự phòng ở mức độ nhất định để sẵn sàng bù đắp khi thay đổi thời tiết, các hệ thống điện mặt trời mái nhà này giảm công suất, nhằm không mất cân đối về tần số, điện áp…, gây rã lưới, mất an toàn hệ thống. Việc vận hành các nguồn dự phòng này cũng phát sinh chi phí và phải tính vào giá thành sản xuất điện của hệ thống.
Vì vậy, cần nhanh chóng có giá điện 2 thành phần để tính toán sòng phẳng với bên dùng điện, tránh tình trạng bên dùng điện chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt của mình mà gây ra các nguy cơ mới cho an ninh hệ thống điện.
Điều 20, Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định, giao Sở Công thương phối hợp với đơn vị điện lực địa phương, rà soát và công khai: tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ đấu nối với hệ thống điện quốc gia được phân bổ theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; tổng công suất đã được cấp giấy chứng nhận phát triển; tổng công suất chưa phát triển. Thời điểm công khai các nội dung theo quy định thực hiện ngay sau khi có sự thay đổi về công suất phát triển.
Về vấn đề này, các điện lực địa phương đều cho biết, đang chờ Sở Công thương thống kê các hệ thống điện mặt trời mái nhà dựa trên đăng ký của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP.
Thanh Hương