Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển bền vững từ năm 2025 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố sẽ từng bước tái cơ cấu sản xuất các khu công nghiệp hướng tới sử dụng công nghệ cao, giảm phát thải, ít thâm dụng lao động qua đó thực hiện lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Sản xuất sạch hơn: Tất yếu để phát triển
Ðứng chân tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Công ty TNHH Giấy Xuân Mai là một trong số ít những doanh nghiệp đi đầu áp dụng mô hình sản xuất “kinh tế tuần hoàn” nhằm tiết kiệm tối đa nguyên nhiên liệu, giảm tới mức thấp nhất chất thải phát sinh. Nhiều năm qua, tại hai nhà máy có công suất 95.000 tấn/năm, công ty này đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như hệ thống lọc đĩa để thu hồi bột và tái sử dụng nước; hệ thống lò hơi tầng sôi, biến toàn bộ rác thải đầu ra của ngành sản xuất giấy thành nguyên liệu đốt đầu vào của lò hơi. Công ty cũng vận hành dây chuyền thu gom giấy vụn từ các nhà máy có phát sinh loại này để tái chế thành giấy cuộn, giấy vệ sinh… đạt tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu.
Trực tiếp kiểm tra hệ thống Tuyển nổi (hệ thống lọc nước để thu hồi bột giấy), ông Lương Như Huỳnh – Giám đốc Công ty TNHH Giấy Xuân Mai cho biết, trước đây, bột giấy lọc xong và phần nước bên dưới “đẩy” thẳng ra nhà máy xử lý nước thải thì nay với việc lắp đặt hệ thống mới phần nước thải còn lại được tái sử dụng để phục vụ sản xuất, nếu đạt chuẩn mới đưa ra nhà máy.
Theo ông Huỳnh, ngoài việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để có thể tạo ra sản phẩm “xanh” thì chính phế phẩm, thải loại trong quá trình sản xuất đã được xử lý tái chế bằng công nghệ phù hợp cũng tạo ra nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, đồng thời giảm phát thải ra môi trường. Công ty nhận thức rằng, mặc dù Chính phủ chưa “gây sức ép” về giảm nguồn phát thải, song chính đòi hỏi từ đối tác về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chính là điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải sản xuất sạch hơn.
Ban Giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết, hiện có 30 doanh nghiệp tại đây tham gia Dự án thí điểm chuyển đổi sang mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, bền vững với môi trường (Chương trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc). Có thể kể đến một số mô hình sản xuất sạch hơn đang vận hành tại khu công nghiệp này như: Ðầu tư hệ thống thu hồi nước mưa và nước ngưng từ hệ thống điều hòa để tái sử dụng của Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam; Ðầu tư lò hơi mới sử dụng nhiên liệu biomass thay cho lò hơi cũ sử dụng nhiên liệu KO của Công ty Chế biến thực phẩm Thọ Phát; Ðầu tư hệ thống năng lượng mặt trời áp mái để phục vụ nhu cầu sản xuất tại Công ty TNHH Tsurumi Pump Việt Nam…
Sự chuyển đổi mạnh mẽ và “xanh hóa” sản xuất này đã giúp Khu công nghiệp Hiệp Phước giảm lượng nước tiêu thụ 151.220 m3/năm trong tổng tiềm năng 461.252 m3/năm; giảm phát thải khí nhà kính 5.820 tấn CO2 trong tổng tiềm năng là 27.076 tấn CO2 tương đương/năm; giảm mức tiêu thụ điện 6.854 MWh/năm bao gồm cả các cơ hội sử dụng năng lượng tái tạo, tổng tiềm năng tiết kiệm là 33.286 MWh/năm. Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Giấy Xuân Mai cho biết: “Trung bình, mỗi năm công ty tiết kiệm được khoảng 200.000 USD nhờ chuyển đổi “xanh”, qua đó giúp giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Ban lãnh đạo công ty cũng xác định kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững”.
Chuyển đổi kép để hướng đến phát triển bền vững
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn là một xu hướng tất yếu của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng, thì các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế đang dần định hình theo hướng gắn thương mại và đầu tư với các tiêu chí về giảm phát thải khí nhà kính, giảm khí thải các-bon, phát triển bền vững.
Hướng đến trở thành khu công nghiệp xanh kiểu mẫu, Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Quận 12, đang đẩy mạnh các giải pháp để cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong toàn khu. Hiện, khu công nghiệp này có diện tích 43 ha, thu hút hơn 150 doanh nghiệp công nghệ thông tin với quy mô 21 nghìn lao động, tỷ lệ mảng xanh đạt 1,74 m2/người, cao gấp ba lần tỷ lệ trung bình của Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khi thành lập đến nay, Khu Công viên phần mềm Quang Trung luôn tập trung vào các giải pháp công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực quản trị thông minh, môi trường thông minh, năng lượng thông minh, giao thông thông minh, tòa nhà thông minh, an ninh công cộng và hệ sinh thái dữ liệu mở… Khu công nghiệp này cũng tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm lượng chất thải tác động đến môi trường, giúp tăng cường sức hấp dẫn của khu, thu hút đầu tư và tạo ra một môi trường làm việc tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Ðiểm chung của loại hình doanh nghiệp công nghệ thông tin là ít gây ô nhiễm môi trường, nguyên liệu “đầu vào” của doanh nghiệp chủ yếu là chất xám. Ông Trần Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cho biết: Công viên phần mềm Quang Trung luôn định vị là khu đô thị xanh-thông minh, sẽ cam kết thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh) thông qua việc tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường và xã hội.
Ðiều này bao gồm việc đầu tư vào công nghệ xanh, xây dựng hạ tầng đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy vận động giảm phát thải khí nhà kính. Việc xây dựng mô hình đô thị xanh-thông minh tiên tiến không chỉ là một hình mẫu phát triển đô thị trong tương lai mà còn là một cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào một môi trường kinh doanh bền vững và hấp dẫn.
Với Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong đó có nhiều nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh, cho phép thành phố cơ chế kiểm soát ô nhiễm môi trường, thu hút đầu tư bền vững, thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải. Qua đó, thành phố thể hiện vai trò đầu tàu của cả nước trong việc định hình, tạo chuẩn mực và xu hướng cho các địa phương trong việc tham gia và thúc đẩy thị trường các-bon.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Ðình Thành, Giám đốc Ðại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc khai thác các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 hiệu quả sẽ giúp thành phố tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức và góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Ðây là lợi thế vượt trội để chính quyền thành phố khẳng định vị thế đi đầu, năng động, sáng tạo, hiệu quả, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn trong khi vẫn đặt lợi ích môi trường và phát triển bền vững lên hàng đầu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện trưởng Viện Công nghiệp Môi trường (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Thành phố cần đưa ra các định hướng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh; thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho mục tiêu phát triển bền vững”.
Ðể thực hiện tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện chuyển đổi kép bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, là yếu tố quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả và sự linh hoạt trong quản lý sản xuất mà còn giúp tối ưu hóa tài nguyên và giảm lãng phí. Chuyển đổi xanh giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng. Trước tiên phải chuyển đổi các lĩnh vực như vận tải, năng lượng, sản xuất… sang chuyển đổi xanh.
Cao Tân – Quý Hiền