Báo cáo được công bố hôm nay thứ Tư (12/4) của Tổ chức Tư vấn khí hậu độc lập Ember cho thấy, 12% năng lượng của thế giới đến từ năng lượng mặt trời và gió vào năm 2022, tăng từ 10% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2021.
Báo cáo cho biết, năng lượng mặt trời là nguồn điện phát triển nhanh nhất trong năm thứ 18 liên tiếp, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 và bổ sung đủ điện để đáp ứng nhu cầu điện hàng năm của Nam Phi.
Báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng trong sản xuất điện gió, tăng thêm 17% vào năm 2022 và có thể cung cấp năng lượng cho gần như toàn bộ nước Anh.
Małgorzata Wiatros-Motyka, nhà phân tích điện cấp cao tại Ember và là tác giả chính của báo cáo cho biết: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên năng lượng sạch. Sân khấu được thiết lập cho gió và mặt trời để đạt được sự gia tăng nhanh chóng lên mức đỉnh. Điện sạch sẽ định hình lại nền kinh tế toàn cầu, từ vận tải đến công nghiệp và hơn thế nữa”.
“Một kỷ nguyên mới giảm lượng khí thải hóa thạch có nghĩa là việc ngừng phát triển điện than sẽ xảy ra và sự kết thúc của tăng trưởng điện khí hiện đang trong tầm ngắm”, ông cho biết thêm.
Còn nhiều việc phải làm
Báo cáo đã dựa trên dữ liệu điện từ 78 quốc gia vào năm ngoái và chiếm 93% nhu cầu điện toàn cầu và cung cấp bức tranh chính xác đầu tiên về quá trình chuyển đổi điện vào năm 2022.
Theo đó, báo cáo cho thấy có hơn 60 quốc gia hiện tạo ra hơn 10% điện năng từ gió và mặt trời.
Năng lượng tái tạo và các nguồn hạt nhân được phát hiện chiếm 39% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2022, đạt mức cao kỷ lục mới.
Bất chấp tiến bộ này, các nhà phân tích cho biết sự phát triển mạnh mẽ của gió và mặt trời vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng tất cả nhu cầu điện ngày càng tăng của thế giới. Do đó, báo cáo lưu ý rằng than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đã đáp ứng khoảng trống còn lại, đẩy lượng khí thải lên mức cao kỷ lục mới.
Than đá, nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới là nguồn điện lớn nhất trên toàn thế giới vào năm ngoái khi sản xuất 36% điện năng toàn cầu.
Trong khi đó, việc đốt nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như than đá, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Damilola Ogunbiyi, Giám đốc điều hành kiêm đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Năng lượng bền vững cho biết: “Cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng các nước đang phát triển không bị bỏ lại phía sau và bị mắc kẹt trong tương lai có hàm lượng carbon cao”.
Ông cho biết, điện than thực tế vẫn là nguồn điện lớn nhất trên toàn thế giới vào năm ngoái và đã tái khẳng định quan điểm rằng ngành điện đang đi chệch hướng để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Việc triển khai gió và mặt trời cần phải được đẩy nhanh một cách ồ ạt và khẩn trương.
Khí thải ngành điện đã đạt đỉnh?
Báo cáo của Ember cho biết, năm 2022 có thể đánh dấu mức phát thải điện cao nhất và là năm cuối cùng của tăng trưởng năng lượng hóa thạch, với năng lượng sạch được thiết lập để đáp ứng mọi nhu cầu tăng trưởng vào năm 2023.
Các nhà phân tích dự đoán sản lượng điện hóa thạch sẽ giảm 0,3% trong năm nay, và mức giảm mạnh hơn dự kiến trong những năm tiếp theo do việc triển khai năng lượng gió và mặt trời tăng tốc.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết năm ngoái rằng, ngành điện cần chuyển từ ngành phát thải cao nhất thành ngành đầu tiên đạt mức phát thải bằng ròng bằng 0 vào năm 2040, nếu nền kinh tế toàn cầu muốn trung hòa cacbon vào giữa thế kỷ này.
Để điều này xảy ra, các nhà phân tích tại Ember cho biết, gió và mặt trời phải chiếm 41% hỗn hợp năng lượng toàn cầu vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 12% được quan sát vào năm 2022.
Hạc Hiên