Xanh trước hết phải “sạch”, theo nghĩa, minh bạch về thông tin phát hành và cách thức sử dụng nguồn vốn huy động cho tất cả các trái chủ, đặc tính đi kèm với trái phiếu xanh theo định nghĩa trong Sổ tay “Hướng dẫn xuất bản cho trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” xuất bản năm 2021 dưới sự ủy quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam.
Đây sẽ là kênh huy động vốn hữu hiệu để giải quyết nút thắt về vốn cho các dự án chuyển đổi xanh mà theo Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, cần 368 tỉ đô la Mỹ cho tới năm 2040 để đạt Net zero vào năm 2050. Dù vậy, khi tỷ lệ nợ xấu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước hiện tới xấp xỉ 12% và có thể tiếp tục tăng lên do áp lực đáo hạn lớn trong cả năm 2024, không có chỗ cho những chuệch choạc, thiếu sót. Thị trường đang cần một sự thay đổi căn bản từ khâu thẩm định phát hành đến phân phối cho đến bảo lãnh để làm bệ đỡ cho trái phiếu xanh phát triển.
Để thị trường trái phiếu xanh Việt Nam không phát triển méo mó và nhất là không trở thành mối nguy nợ xấu cho hệ thống tài chính, cần bảo đảm việc phát hành và sử dụng nguồn vốn trái phiếu tuân thủ các chuẩn mực chặt chẽ của thị trường trái phiếu; có hành lang pháp lý, tiêu chuẩn về các dự án được tài trợ vốn từ phát hành trái phiếu xanh và các chính sách ưu tiên khác cho loại hình này. Trong đó tính minh bạch là rất quan trọng.
Minh bạch trong phát hành phải bao gồm thông tin về tổ chức phát hành, mục đích của dự án, tiến trình giải ngân và thông báo về tiến độ giải ngân thực tế cho các trái chủ. Tổ chức bảo lãnh phát hành phải chịu trách nhiệm thực hiện hoặc đốc thúc thực hiện việc thông tin nêu trên, đảm bảo để nhà đầu tư biết họ sẽ đầu tư vào ai, vào dự án nào và số tiền của họ đã được sử dụng ra sao?
Còn minh bạch trong phân phối là nhà đầu tư phải biết họ được quyền và không được quyền đầu tư vào loại trái phiếu nào. Ngoài việc áp dụng nghiêm quy định hiện hành về xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc hậu kiểm tư cách nhà đầu tư vừa là một biện pháp răn đe các ý định làm sai, vừa là cách phản ứng kịp thời với những trường hợp nghi vấn có khuất tất trong việc phát hành và phân phối.
Về minh bạch trong chất lượng trái phiếu, nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi nếu quy định về xếp hạng doanh nghiệp, xếp hạng trái phiếu được áp dụng với trái phiếu xanh. Thậm chí, đề xuất mới đây của ông Nguyễn Quang Thân, Chủ tịch FiinRatings về việc thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể áp dụng thí điểm với trái phiếu xanh. Theo đó, bên bảo lãnh sẽ thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành trong trường hợp tổ chức phát hành không thể thực hiện nghĩa vụ nợ đã cam kết. Dĩ nhiên, lãi suất trái phiếu có bảo lãnh sẽ thấp hơn loại không được bảo lãnh, nhưng trái phiếu cho các công trình chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng tái tạo… vì tương lai của hành tinh sẽ vẫn có sức hút mạnh mẽ riêng.
Về hành lang pháp lý và các tiêu chuẩn xác định dự án đủ tiêu chuẩn thu hút tín dụng xanh, Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm các nước và trên thực tế, chúng ta đang đi trên con đường này.
Do nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, lại phải huy động phần lớn từ khu vực tư nhân, nên không thể thu hút vốn đầu tư theo kiểu dàn hàng ngang mà Việt Nam phải đưa ra một danh sách đầu tư theo thứ tự ưu tiên, trong đó ngoài tính thiết yếu, cần phải tính tới cả sức lan tỏa của dự án tới quá trình chuyển đổi xanh của địa phương hoặc của cả nền kinh tế.
Theo Nghiên cứu về thị trường trái phiếu xanh Việt Nam do Viện Phát triển Xanh toàn cầu (Global Green Growth Institute – Hàn Quốc) công bố tháng 9/2022, các nhà đầu tư và bảo lãnh đều cho rằng ba lĩnh vực tiềm năng cho đầu tư xanh trong ba năm tiếp theo là năng lượng tái tạo, quản lý nguồn nước và nông nghiệp bền vững. Nghiên cứu cho biết, nhà đầu tư và nhà bảo lãnh quan tâm hơn tới các dự án cỡ nhỏ, dưới 50 triệu đô la và trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ. Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, vậy nên, chúng ta càng phải làm đúng ngay từ những bước đầu.
Hoàng Hạnh