Thụy Điển được coi là hình mẫu trên thế giới về việc cân bằng giữa thịnh vượng kinh tế với trách nhiệm môi trường, cũng là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về phát triển bền vững và quản lý môi trường.
Mặc dù có mức phát triển kinh tế và mức sống cao, Thụy Điển vẫn duy trì lượng khí thải carbon bình quân đầu người thấp một cách ấn tượng. Trên website của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Thụy Điển có lượng khí thải CO2 bình quân đầu người thấp thứ hai trong số các quốc gia thành viên của tổ chức này.
Hình mẫu về cân bằng giữa kinh tế và môi trường
Sau Thế chiến II, Thụy Điển đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa mạnh, dẫn đến lượng khí thải carbon tăng lên. Tuy nhiên, từ những năm 1970, sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ, Thụy Điển bắt đầu xem xét lại chiến lược năng lượng của mình. Giai đoạn này đánh dấu sự khởi đầu của nỗ lực nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Quan điểm chủ động của chính phủ Thụy Điển về các vấn đề môi trường được thể hiện qua việc sớm áp dụng các chính sách nhằm giảm lượng khí thải carbon. Cam kết của quốc gia này đã được chính thức hóa với việc thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển (EPA) vào năm 1967.
Quốc gia Bắc Âu này có mục tiêu đầy tham vọng là tạo ra 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2040 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2045. Những mục tiêu này hiện đã trong tầm tay, theo đánh giá của The Edge Malaysia. Tính đến tháng 11/2022, hơn 90% điện năng của quốc gia này được sản xuất từ các nguồn tái tạo.
Theo Cơ quan Năng lượng Thụy Điển, hơn 90% nhiên liệu cho hệ thống sưởi ấm khu vực-giúp làm ấm môi trường trong nhà và cung cấp nước nóng- đến từ sinh khối và đốt rác thải.
Tuy nhiên, khi tiếp tục tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi sang carbon thấp, Thụy Điển vẫn còn đối mặt nhiều thách thức lớn.
Ví dụ, sản xuất hydro xanh để cung cấp năng lượng cho ngành sản xuất có nghĩa là nhu cầu năng lượng sẽ tăng mạnh. Việc liệu có đủ đất để xây dựng thêm đập thủy điện, nhà máy điện hạt nhân hoặc trang trại gió mà không gây hại cho môi trường hay cộng đồng địa phương vẫn là câu hỏi cần được giải đáp.
Xung đột Nga-Ukraine bùng nổ đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt. Điều này đã đẩy vấn đề an ninh năng lượng khu vực lên hàng đầu.
Do thị trường điện của Thụy Điển được kết nối với Liên minh châu Âu (EU) nên giá cả vẫn bị ảnh hưởng bởi chiến tranh mặc dù Thụy Điển ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.
Cũng theo Cơ quan Năng lượng Thụy Điển, vào năm 2018, 16,1% nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện của nước này là từ thủy điện, 0,4% từ năng lượng mặt trời, 0,2% từ khí sinh học và 0,1% từ sinh khối. Phần còn lại là từ nhiên liệu hóa thạch (than 52,9%, khí đốt tự nhiên 29,8%).
Bên cạnh đó, Thụy Điển đã chuẩn bị cho các ngành công nghiệp của mình để tận dụng lợi thế của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon. Một số công ty lớn trong ngành thép đã hợp tác để sản xuất thép không nhiên liệu hóa thạch.
Công ty công nghệ toàn cầu của Thụy Điển là Hitachi Energy sản xuất máy biến áp và các thành phần quan trọng khác cần thiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Ví dụ, máy biến áp dòng điện một chiều điện áp cao của công ty này đang được ưa chuộng vì khả năng truyền tải điện với tổn thất thấp và khả năng kiểm soát cao trên khoảng cách xa. Điều này rất cần thiết để tích hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo không liên tục hơn vào lưới điện.
Cam kết chính trị vững chắc
Cam kết của Thụy Điển trong việc giảm phát thải carbon không chỉ giới hạn ở sản xuất năng lượng mà còn mở rộng sang lĩnh vực giao thông.
Quốc gia này có một trong những hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và thân thiện với môi trường nhất trên toàn cầu. Các thành phố như Stockholm, Gothenburg và Malmö nổi tiếng với mạng lưới giao thông công cộng toàn diện và tích hợp tốt, bao gồm xe buýt, xe điện và tàu hỏa.
Đặc biệt, Stockholm đã triển khai một số biện pháp sáng tạo để giảm phát thải giao thông. Thuế tắc nghẽn Stockholm, được đưa ra vào năm 2007, nhằm mục đích giảm tắc nghẽn giao thông và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Hệ thống này tính phí xe khi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm, giúp giảm lưu lượng giao thông và khí thải một cách hiệu quả.
Ngoài ra, Thụy Điển đã thúc đẩy việc áp dụng xe điện (EV) thông qua các ưu đãi và phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ Thụy Điển cung cấp trợ cấp cho việc mua EV và quốc gia này đã đầu tư vào việc mở rộng mạng lưới trạm sạc. Do đó, xe điện ngày càng trở nên phổ biến trên các con đường của Thụy Điển, góp phần giảm lượng khí thải carbon.
Quan trọng hơn, dù những thay đổi chính phủ sau mỗi kỳ bầu cử, các mục tiêu về khí hậu của Thụy Điển sẽ vẫn được giữ nguyên.
Điều này là do khuôn khổ chính sách khí hậu và luật khí hậu được ban hành vào năm 2017, đặc biệt là Đạo luật Khí hậu (Climate Act). Đạo luật quy định rằng chính sách khí hậu của Chính phủ phải dựa trên các mục tiêu về khí hậu và chỉ rõ cách thức thực hiện. Đạo luật nêu rõ rằng Chính phủ sẽ: (1) trình bày báo cáo về khí hậu trong Dự luật Ngân sách hàng năm; (2) lập kế hoạch hành động về chính sách khí hậu 4 năm/lần để mô tả cách thức đạt được các mục tiêu về khí hậu; (3) đảm bảo rằng các mục tiêu về chính sách khí hậu và các mục tiêu về chính sách ngân sách luôn song hành.
Chính phủ Thụy Điển cũng triển khai nhiều cơ chế định giá carbon khác nhau, chẳng hạn như thuế carbon và hệ thống giới hạn-giao dịch. Thuế carbon, được đưa ra vào năm 1991, là một trong những loại thuế cao nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bằng cách định giá carbon, Thụy Điển khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân giảm lượng khí thải carbon của họ.
Bức tranh năng lượng đa dạng của Thụy Điển
Sản xuất điện ở Thụy Điển được cung cấp bởi các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu thông qua thủy điện và năng lượng hạt nhân kể từ những năm 1970.
Năng lượng gió đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường năng lượng trong thập kỷ qua, trong khi nhiên liệu sinh khối vẫn là nguồn nguyên liệu thô chính cho hệ thống sưởi ấm khu vực của nước này.
Đặc biệt, mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia này tương đối ổn định kể từ năm 1970, mặc dù dân số tăng từ 7,5 triệu lên 10 triệu người. Theo Paul Westin, nhà phát triển kinh doanh cấp cao tại Cơ quan Năng lượng Thụy Điển (SEA), điều này có thể là do sự chú trọng vào hiệu quả năng lượng.
Thách thức lớn là chuyển đổi lĩnh vực vận tải, vốn vẫn được hỗ trợ bởi nhiên liệu hóa thạch. Westin cho biết xe điện (EV) hiện chiếm một nửa doanh số bán xe mới. Ngoài ra, nhiên liệu sinh học đang dần được ứng dụng vào xe buýt và xe tải.
Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất đang chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng. Tuy vậy, điều này làm tăng nhu cầu điện trong quá trình chuyển đổi. “Tất cả các dự án phát triển công nghiệp ở phía Bắc Thụy Điển, như các nhà máy sản xuất thép và pin không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà chúng tôi đang xây dựng, sẽ tiêu tốn rất nhiều điện”, Westin cho biết.
Việc bổ sung thêm năng lượng hạt nhân là một giải pháp, nhưng đi kèm với các vấn đề về an ninh, khó khăn trong việc đảm bảo nguyên liệu thô và lo ngại về chất thải hạt nhân. Các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ vẫn chưa phổ biến.
Việc đưa các nguồn năng lượng như năng lượng gió vào là một lựa chọn tốt, nhưng đây là nguồn năng lượng không liên tục. Vì vậy, nước này đã tính đến hệ thống lưu trữ pin và lưới điện thông minh.
“Với việc pin được đưa vào sử dụng trong xe điện, sẽ có thị trường cho các loại pin có tuổi thọ thứ hai, rất phù hợp để trở thành hệ thống lưu trữ pin trong lưới điện”, Westin cho biết. Nghiên cứu về lưới điện thông minh và vận chuyển điện hiệu quả trên những quãng đường dài đang nhanh chóng được triển khai tại Thụy Điển.
Bảo Huy