Nông nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh
Việt Nam đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường tài chính xanh. Trong đó, nông nghiệp với những con số ấn tượng về xuất khẩu gạo, cà phê, nông sản, thực phẩm… Điều đó cho thấy Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về thị trường sản xuất, mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn của các thị trường khó tính.
Tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp …
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%. Tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%. Có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Trong đó nhấn mạnh đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu. Hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là giảm metan trong trồng trọt và chăn nuôi, chuỗi nông sản, không gây mất rừng.
Mục tiêu cần các giải pháp đồng bộ
Ông Đào Thế Anh – Viện Phó Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết những chính sách, định hướng chung của Chính phủ là cần thiết cho ngành nông nghiệp. Tính đến nay kế hoạch hành động đã đầy đủ từ kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, kế hoạch chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch có trách nhiệm và bền vững.
Để thúc đẩy nông nghiệp xanh, hướng tới “Net Zero” phát thải trong nông nghiệp vào năm 2050, ông Thế Anh cho rằng, cần phối hợp đồng bộ các giải pháp.
Trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tích cực hợp tác với cơ quan nước ngoài, tổ chức nghiên cứu kêu gọi tài trợ nước ngoài và chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế. “Cái chính hiện nay là cần thúc đẩy vấn đề tiếp cận thị trường carbon, tín dụng phù hợp cho nông nghiệp nông thôn” – ông Thế Anh nhấn mạnh.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2015 – 2022, dư nợ tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đã tăng từ hơn 71.000 tỉ đồng lên gần 500.000 tỉ đồng. Trong 7 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt trên 700%, trung bình mỗi năm tăng gấp đôi và gấp 5 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn hiện nay. Trong đó tổng quy mô tín dụng xanh có tới gần 50% nguồn vốn tín dụng đang tập trung cho các dự án nông nghiệp xanh.
Chiến lược tăng trưởng tín dụng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về phát triển bền vững của không ít các ngân hàng thương mại cổ phần.
Về phía cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, cần tập trung vào vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra công nghệ mang tính tiêu chuẩn về xanh, sinh thái, tuần hoàn nhưng phải phù hợp với điều kiện, nhiều loại công nghệ khác nhau để phù hợp với các hộ nông dân.
Anh Kiệt