Phát triển bền vững là xu thế tất yếu
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh, phát triển bền vững là xu thế tất yếu và là lựa chọn chiến lược của các quốc gia trên thế giới. Đó cũng là định hướng xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam. Trong những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Kết quả Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) năm 2023 cho thấy, việc thực hiện các SDG tại Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong một số lĩnh vực, như: xóa đói giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bảo trợ xã hội, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, tiếp cận điện năng…
“Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% năm 2016 xuống còn khoảng 3,2% năm 2023. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,689 năm 2016 lên 0,726 năm 2022, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có chỉ số HDI ở mức cao kể từ năm 2019”, Phó Viện trưởng Nguyễn Lệ Thủy cho biết.
Theo Báo cáo phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2023, Việt Nam xếp thứ 55/166 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong thực hiện các SDG, xếp thứ hai sau Thái Lan. Năm 2023, quy mô GDP Việt Nam đạt hơn 430 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao trong gần hai thập kỷ qua, Việt Nam phấn đấu đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
“Để có thể đạt được các SDG vào năm 2030 và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần có những chính sách, giải pháp, phù hợp”, Phó Viện trưởng Nguyễn Lệ Thủy nói và nhấn mạnh: “Việc khai thác và phát huy tối đa các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững như: kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển thị trường carbon…, là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.
Kinh tế tuần hoàn – ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước
Trước khi đi vào thảo luận sâu vào các động lực mới để phát triển bền vững, TS. Nguyễn Văn Thuật, Trưởng ban Chiến lược Phát triển bền vững và Môi trường, Viện Chiến lược phát triển, trình bày khái quát về tình hình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam nhằm cung cấp một số thông tin sơ lược về tình hình thực hiện phát triển bền vững hiện nay. Trên cơ sở phân tích kết quả đạt được trong việc thực hiện một số mục tiêu, cũng như chỉ ra những điểm còn hạn chế, TS. Nguyễn Văn Thuật cũng đưa ra một số định hướng giải pháp để phát triển bền vững đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Có thể thấy, sau 38 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Vì vậy, để thực hiện các SDG và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” được xem là một ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, kinh tế tuần hoàn đã tạo động lực cho phát triển bền vững, thể hiện ở việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại hiệu quả kinh tế tổng thể lớn hơn; tạo công ăn việc làm, giải quyết vấn đề lao động; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
“Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các SDG đến năm 2030”, ông Chinh cho biết.
Chuyển đổi năng lượng và thị trường carbon: Động lực cho phát triển bền vững
Liên quan đến các động lực cho phát triển bền vững, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã trao đổi về vấn đề chuyển dịch năng lượng tại tọa đàm. Khẳng định chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn đã đánh giá khái quát thực trạng điện năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện nay, phân tích một số định hướng chuyển dịch năng lượng, chỉ ra những cơ hội, thách thức, để từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của thể chế là quan trọng nhất.
Có thể thấy, chuyển dịch năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam về ngừng phát thải carbon vào năm 2050. Chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển. Chuyển đổi năng lượng sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu các công nghệ mới, tạo thêm việc làm xanh, góp phần giảm phát thải carbon, thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại tọa đàm, bà Tô Nguyễn Cẩm Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cũng đã có bài chia sẻ về phát triển thị trường carbon. Phát triển thị trường carbon là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý. Phát triển thị trường carbon sẽ thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hướng tới phát triển nền kinh tế các bon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Về vấn đề áp dụng thuế carbon, cần cân nhắc gì để tránh hiện tượng thuế chồng thuế? Bà Tô Nguyễn Cẩm Anh cho rằng, việc Nhà nước định ra một mức giá, theo quan điểm riêng của bà là chưa thực sự mang tính chất thị trường, mặc dù rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thuế carbon. Tuy nhiên, Chính phủ muốn để lại việc định giá cụ thể quyền phát thải này cho doanh nghiệp tự định giá.
“Trên cơ sở cân nhắc các lợi ích, cũng như những bất lợi khi áp dụng các công cụ định giá carbon; với sự hỗ trợ, nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương…, đã có một sự thống nhất là áp dụng với thị trường công cụ hệ thống mua bán quyền phát thải hay còn gọi là thị trường carbon để tránh áp dụng thuế carbon sẽ gây chồng lấn”, bà Cẩm Anh chia sẻ.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận, cũng như đưa ra các kiến nghị, trong đó nhấn mạnh vào các vấn đề như: việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện khung pháp lý chính sách, các hướng dẫn, quy định và đặc biệt là các vấn đề gắn kết chính sách đã ban hành…
“Nội dung thảo luận hôm nay rất thiết thực. Kết quả thảo luận hôm nay sẽ là cơ sở khoa học, cũng như thông tin đầu vào để chúng ta phục vụ cho việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là tiếp tục phục vụ cho việc xây dựng văn kiện của Đại hội XIV, cụ thể phục vụ cho Báo cáo kinh tế – xã hội, mà Viện Chiến lược phát triển được giao làm đầu mối của Văn phòng và Tổ Biên tập xây dựng báo cáo kinh tế – xã hội, một trong những văn kiện quan trọng của Đại hội XIV sắp tới”, Phó Viện trưởng Nguyễn Lệ Thủy nhấn mạnh./.
Hương Vy