Phát triển xanh và phát triển du lịch xanh đang là xu thế chung, trong đó mỗi địa phương, vùng miền, tùy đặc điểm, lợi thế riêng, có những hướng đi phù hợp với đặc thù cùng bản sắc vốn có của mình.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh
TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, vì vậy những năm gần đây, ngành du lịch của thành phố đã đề ra nhiều chiến lược phát triển du lịch xanh.
Theo đó, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng các tour, tuyến kết nối vùng, cũng như triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng xanh, thân thiện với môi trường. Một trong những điển hình nói trên là hệ thống cho thuê xe đạp công cộng, sử dụng xe điện đưa đón du khách tham quan vòng quanh thành phố,… góp phần giảm phát thải đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Đóng góp này tuy còn rất khiêm tốn, nhưng là khởi đầu cho việc “xanh hóa” hoạt động giao thông vận tải nói chung, vận tải du lịch nói riêng.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2023, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông; trong đó có hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 xe hơi các loại, hơn 2 triệu xe cộ của người dân địa phương khác di chuyển vào thành phố. Mỗi năm, thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn carbon; riêng ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và giao thông vận tải khoảng 13 triệu tấn.
Do đó, đòi hỏi cấp thiết hiện nay của Thành phố là phải đưa ra các chính sách và giải pháp về giao thông vận tải xanh hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh sở hữu nhiều tiềm năng du lịch sinh thái độc đáo, như khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, khu di tích Rừng Sác… đóng vai trò như “lá phổi xanh” của Thành phố giúp cân bằng sinh thái, tạo cơ hội phát triển du lịch sinh thái rừng kết hợp bảo tồn môi trường và gắn kết cộng đồng địa phương. Du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh của TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Thành phố đã triển khai thực hiện 8 nhóm giải pháp chiến lược như nhóm chính sách đối với sản phẩm đặc trưng; nhóm chính sách tạo đột phá trong liên kết vùng; nhóm chính sách vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15; nhóm chính sách ưu đãi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; kéo dài thời gian hoạt động và trải nghiệm các dịch vụ tại khu vực thí điểm kinh tế đêm; chính sách miễn thuế giá trị gia tăng và hỗ trợ về thị thực đối với tổ chức quốc tế và hỗ trợ đơn vị trong nước tham gia sự kiện.
Tại Diễn đàn du lịch cấp cao diễn ra đầu tháng 9/2024 với chủ đề “Du lịch Net Zero– Kiến tạo tương lai”, do Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia và các đối tác tổ chức, các chuyên gia đã thống nhất với nhau rằng để thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững, đòi hỏi cần có chương trình hành động đồng bộ, có lộ trình cụ thể cho các mục tiêu trung và dài hạn.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia, các chuyên gia cũng cho rằng ngành du lịch cần có đóng góp tương xứng vào lộ trình phát triển ít phát thải của Việt Nam; đồng thời chủ động xác định “dấu chân” carbon trong ngành du lịch, từ đó có chính sách, biện pháp phù hợp giảm phát thải khí nhà kính.
Các chuyên gia khuyến nghị: việc chuyển đổi phát triển du lịch từ truyền thống sang “Net Zero tours” cần có lộ trình cụ thể nhằm hạn chế những cú sốc có thể xảy ra về kinh tế xã hội.
Không gian xanh cho du lịch xanh
Nằm trong định hướng phát triển xanh và du lịch xanh của Thành phố, đề án quy hoạch không gian đô thị dọc sông Sài Gòn được xác định là bước đột phá trở thành biểu tượng cho sự chuyển đổi của thành phố, góp phần xây dựng một đô thị sông nước hiện đại, xanh hóa, phát triển bền vững của cả khu vực. Quy hoạch này thuộc Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, dự kiến khu vực dọc trung tâm sẽ hình thành công viên, sân chơi trẻ em, đường đi bộ, không gian sinh hoạt cộng đồng… nhằm tạo ra hành lang đô thị xanh cho người dân cùng thụ hưởng. Song song đó, đề án còn hướng đến khai thác lịch sử lâu đời của Sài Gòn- Gia Định- TP.HCM và văn hóa sông nước với những viện bảo tàng, các khu vực hoạt động nghệ thuật và điểm đến lịch sử; đẩy mạnh kinh doanh quán ăn đường phố và các hoạt động giải trí khác…
Phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, xây dựng một đô thị sông nước gắn liền hành lang dọc sông Sài Gòn, hình thành nên biểu tượng mới cho phát triển bền vững thành phố là các giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị cho chính quyền Thành phố.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phân tích: TP. Hồ Chí Minh có thể bắt đầu từ việc xây dựng dự án chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh đến cầu Tân Thuận, quận 7.
Cụ thể, xây dựng và phát triển khu vực bán đảo Thanh Đa- Bình Quới với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông; chỉnh trang và phát triển khu vực các phường Trường Thọ và Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, có chức năng giao lưu quốc tế và đóng vai trò trung tâm ven sông của Thành phố Thủ Đức.
Cùng với các hạng mục khác trong đồ án điều chỉnh quy hoạch, đề án quy hoạch không gian đô thị ven sông Sài Gòn cũng nhằm kết nối giao thông đồng bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển hạ tầng xanh đa chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế và du lịch ven sông. Tạo tiền đề để phát triển du lịch xanh, bền vững của TP. Hồ Chí Minh.
Anh Khuê