Theo dữ liệu mới công bố của LSEG (Sở Giao dịch chứng khoán London), số tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu ESG ở Đông Nam Á trong quí đầu tiên của năm 2024 đạt 5,1 tỉ đô la Mỹ. Con số này tăng 27,4% so với 4 tỉ đô la của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số tiền thu được từ trái phiếu ESG toàn cầu tăng 10,7%, lên 247,8 tỉ đô la. Con số ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 4,5%, lên 41,1 tỉ đô la.
Tuy nhiên, giá trị các khoản vay ESG từ các ngân hàng ở Đông Nam Á giảm 31,9%, xuống còn 6,1 tỉ đô la, chủ yếu là do các khoản vay liên quan đến bền vững giảm mạnh.
Sean Henderson, đồng giám đốc thị trường vốn nợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng HSBC, cho rằng sự cải thiện về lượng trái phiếu ESG trong khu vực là nhờ thành phần đa dạng hơn của các tổ chức phát hành. Các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, cũng như các quỹ đầu tư chủ quyền, cơ quan chính phủ, tổ chức đa quốc gia đều tham gia phát hành trái phiếu ESG trong quí 1-2024. Ông nói thêm, khối lượng trái phiếu ESG vào quí 1-2023 được thúc đẩy bởi hoạt động phát hành các quỹ chủ quyền và một số ít doanh nghiệp.
Các tổ chức phát hành trái phiếu ESG trong quí 1-2024 bao gồm nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu ST Telemedia Global Data Centres (Singapore), Ủy Phát triển nhà ở Singapore, cũng như Công ty tư vấn và dịch vụ công nghệ thông tin My EG Services và Công ty bất động sản LBS Bina của Malaysia.
Các ngân hàng dẫn đầu về bảo lãnh phát hành trái phiếu ESG ở Đông Nam Á trong quí 1-2024 là Standard Chartered (1,4 tỉ đô la), HSBC (677,1 triệu đô la) và Citi (473,9 triệu đô la).
“Một số tổ chức phát hành trái phiếu ESG trong quí 1 đã theo dõi thị trường trong một thời gian. Điều này cho phép họ có thêm thời gian để tích hợp yếu tố ESG vào các giao dịch”, Henderson cho biết.
Ông nói thêm, các quy định pháp lý hỗ trợ đầu tư ESG ngày càng tăng ở Đông Nam Á. Điều đó giúp các tổ chức phát hành phát triển các chiến lược ESG toàn diện hơn, bao gồm cả việc phát hành trái phiếu gắn nhãn ESG. Các tổ chức phát hành cũng được tiếp thêm động lực nhờ nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư đối với những trái phiếu ESG.
Trái phiếu xanh (green bond), công cụ nợ được dán nhãn ESG lâu đời nhất và trưởng thành nhất, vẫn là lựa chọn hàng đầu ở Đông Nam Á. Nhưng lượng phát hành trái phiếu liên kết bền vững (sustainability-linked bond – SLB), một dạng trái phiếu ESG khác, cũng đang tăng lên. Đây là trái phiếu yêu cầu nhà phát hành phải trả lãi cao hơn nếu không đạt được mục tiêu bền vững. Tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu SLB ở Đông Nam Á đạt 832,4 triệu đô la Mỹ trong quí 1 năm 2024, tăng hơn 10 lần so với con 67,9 triệu đô la trong cả năm 2023.
Trước đây, trái phiếu SLB vẫn tương đối xa lạ trong khu vực. Nhưng nhu cầu của nhà đầu tư đối với các đợt phát hành gần đây cho thấy thị trường vốn Đông Nam Á đang ngày càng quen thuộc hơn với trái phiếu SLB như một công cụ huy động vốn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẵn sàng hơn trong việc cam kết công khai các mục tiêu về hiệu suất bền vững, theo Clifford Lee, người đứng đầu toàn cầu ở bộ phân ngân hàng đầu tư của ngân hàng DBS (Singapore).
Trái phiếu xanh có xu hướng được ưa chuộng vì không yêu cầu mục tiêu bền vững cụ thể. Nhưng loại trái phiếu này thu hút sự giám sát chặt chẽ, chủ yếu do thiếu tham vọng trong việc đặt ra mục tiêu bền vững.
Henderson của HSBC kỳ vọng sẽ có nhiều tổ chức phát hành hơn cân nhắc sử dụng trái phiếu SLB để tài trợ cho các dự án xanh, xã hội hoặc chuyển đổi năng lượng trong tương lai. Ông cũng nhận thấy, các tổ chức phát hành trong khu vực Đông Nam Á mang lại sự đổi mới và tham vọng cho thị trường trái phiếu ESG. Ví dụ, trái phiếu SLB của ST Telemedia Global Data Centres là trái phiếu vĩnh viễn (không có ngày đáo hạn) liên kết bền vững đầu tiên ở châu Á.
Rahul Sheth, người đứng đầu toàn cầu bộ phận trái phiếu bền vững của ngân hàng Standard Chartered, nhận định các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong nhiều ngành kinh doanh khác nhau sẽ tiếp tục quan tâm đến việc phát hành trái phiếu SLB.
“Ngày càng có nhiều tổ chức phát hành theo đuổi chiến lược khử carbon và đặt ra các mục tiêu định lượng ngắn hạn và trung hạn để giảm phát thải. Đây là dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thị trường trái phiếu SLB của ASEAN”, ông nói thêm.
Khánh Lan (Theo Business Times)