Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Diễn đàn, phát biểu chỉ đạo. Tham dự Diễn đàn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; đại diện đại sứ các nước tại Việt Nam; đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp lớn; các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, Viện nghiên cứu.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình Nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đại diện cơ quan quản lý trong nước và quốc tế đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan, cơ bản nhất trí với dự thảo và đóng góp các quan điểm, ý kiến vào lộ trình triển khai trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực từ cấp trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường.
Đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia sẽ cung cấp một chiến lược cụ thể trong giai đoạn ngắn hạn, cũng như dài hạn để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn gửi lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế – xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững.
Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương lồng ghép kinh tế tuần hoàn trong quá trình xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với Kế hoạch quốc gia và đặc điểm của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và áp dụng các biện pháp để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao mức độ tái chế, tái sử dụng chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế đến giai đoạn sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa…
Phương Thảo