Trong bối cảnh chuyển đổi toàn cầu về di chuyển thông minh và bền vững, tại Hội thảo “Kết nối ngành di chuyển thông minh” do Cục TITA và Hội đồng TAITRA tổ chức, ông Trần Kiên đã có cuộc trò chuyện, đánh giá về thị trường ngành di chuyển thông minh tại Việt Nam và giải pháp quản lý xe bus điện công cộng.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thị trường ngành di chuyển thông minh tại Việt Nam?
– Thị trường ngành di chuyển thông minh tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển đáng kể và hứa hẹn về tiềm năng lớn. Có một số lợi thế quan trọng khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn trong lĩnh vực này. Trước hết, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và dân số lớn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử nghiệm và triển khai các giải pháp liên quan đến di chuyển thông minh.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến một sự phát triển đáng kể của các phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam, bao gồm cả xe cá nhân (xe máy, xe ôtô gia đình) và phương tiện công cộng (xe bus, xe taxi). Hệ thống giám sát giao thông thông minh cũng đang nổi lên. Mặc dù còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển, tuy nhiên, điều này tạo cơ hội lớn cho sự phát triển và sáng tạo trong lĩnh vực di chuyển thông minh.
Ngoài ra, Việt Nam đã có cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu bằng cách giảm khí thải CO2 từ các phương tiện giao thông. Điều này làm cho việc chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện di chuyển sạch hơn, bao gồm xe điện, xe công cộng và dịch vụ chia sẻ xe trở nên cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết. Việc phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện cũng đang nhận được sự quan tâm đáng kể và đây là một khía cạnh quan trọng của cuộc cách mạng di chuyển thông minh tại Việt Nam.
Chính sự quyết tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang thúc đẩy ngành di chuyển thông minh tại Việt Nam. Tôi tin rằng ngành này có một tương lai sáng sủa, sẽ đóng góp vào việc giảm khí thải CO2 và xây dựng một hệ thống di chuyển bền vững tại Việt Nam.
Liên quan đến giải pháp quản lý xe bus điện công cộng mà ông vừa trình bày tại hội thảo, ông nghĩ giải pháp này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển thị trường di chuyển thông minh tại Việt Nam?
– Tại Advantech, chúng tôi định nghĩa “Hệ thống giao thông thông minh” (ITS) gồm bốn yếu tố quan trọng: Hạ tầng giao thông thông minh, giao thông công cộng thông minh, công nghệ hỗ trợ tiên tiến và người tham gia giao thông thông minh. Trong buổi hội thảo, tôi đã tập trung trình bày về giải pháp quản lý xe bus điện công cộng, một phần quan trọng của hệ thống giao thông công cộng thông minh.
Giải pháp quản lý xe bus điện công cộng có tác động tích cực đến thị trường di chuyển thông minh tại Việt Nam. Nó giúp tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và giảm thời gian chờ đợi của hành khách, từ đó cải thiện hiệu suất vận hành của các phương tiện giao thông công cộng. Điều này không chỉ giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu mà còn thúc đẩy mô hình di chuyển thân thiện với môi trường, hỗ trợ việc giảm thiểu tác động độc hại đến môi trường. Ngoài ra, giải pháp này cung cấp cảnh báo về an toàn và an ninh cho người tham gia giao thông, giúp giảm nguy cơ tai nạn và làm cho môi trường giao thông trở nên an toàn hơn cho tất cả. Cuối cùng, giải pháp này cung cấp tính năng hỗ trợ cho cơ quan quản lý Nhà nước để kiểm soát và đảm bảo tuân thủ các quy định và yêu cầu pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển công cộng. Điều này đảm bảo rằng thị trường di chuyển thông minh tại Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng quy định và an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững và hứa hẹn của lĩnh vực này.
Advantech đã cập nhật những công nghệ xu hướng nào để phát triển giải pháp cho lĩnh vực giao thông thông minh?
– Chúng ta đang sống trong một thời kỳ bùng nổ về công nghệ, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Lĩnh vực giao thông cũng là một trong những lĩnh vực hàng đầu được áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối vạn vật (IoT).
Advantech, một tập đoàn hàng đầu thế giới về giải pháp phần cứng và phần mềm công nghệ IoT, đã chú trọng sử dụng các công nghệ này trong việc phát triển giải pháp cho lĩnh vực giao thông thông minh. Chúng tôi tự hào với nền tảng đám mây IoT của mình, Wise – PaaS, được xếp hạng hàng đầu thế giới vào năm 2017 bởi IoT Innovator News. Đây là một ví dụ về cách chúng tôi đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao hiệu suất trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ kết nối, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Riêng trong lĩnh vực giao thông thông minh, chúng tôi hoàn thiện và đang cung cấp nền tảng giải pháp kết nối phương tiện tham gia giao thông hợp nhất hay còn gọi là CV2X Platform (Cellular Vehicle – to – Everything).
Việc các tập đoàn công nghệ Đài Loan tìm kiếm đối tác tại Đông Nam Á có thể tạo cơ hội như thế nào cho hợp tác và tiếp cận công nghệ tiên tiến ở lĩnh vực di chuyển thông minh, thưa ông?
– Năng lực của Đài Loan về phát triển công nghệ chip và công nghệ lõi là điều chúng ta đều biết. Việc các tập đoàn công nghệ lớn tại Đài Loan tìm kiếm đối tác tại Đông Nam Á như một phần trong kế hoạch “Nam tiến” của họ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam hợp tác chặt chẽ trong việc tiếp cận và áp dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực di chuyển thông minh. Chúng ta có thể học hỏi và chia sẻ kiến thức, kết nối với các đối tác có kinh nghiệm và tận dụng những cơ hội mới để cùng phát triển hệ thống giao thông thông minh, giúp cải thiện cuộc sống và môi trường ở Việt Nam.
Lê Trang (thực hiện)