Một ca sĩ thổn thức trong trong tiếng guitar réo rắt trước một đám đông nêm chặt đến mức không thể đi qua. Nhưng đây không phải là một buổi hòa nhạc. Đó là quang cảnh xung quanh gian hàng của nhà sản xuất ô tô BYD tại một cuộc triển lãm về năng lượng mặt trời ở Trung Quốc.
Cuộc triển lãm SNEC PV Power Expo đã thu hút khoảng nửa triệu người đến Trung tâm Triển lãm quốc tế mới Thượng Hải vào tuần trước. Họ là những lãnh đạo doanh nghiệp năng lượng ở châu Âu đang tìm kiếm các hợp đồng mua tấm pin mặt trời và những vị khách tò mò muốn nhận được một số hàng hóa tặng miễn phí.
Cũng như BYD, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, Tesla cũng có mặt ở đó, cùng với CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới. Bên cạnh ô tô, BYD và Tesla cũng kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Tham gia cùng họ là hàng ngàn công ty năng lượng mặt trời trong nước. Không khí huyên náo gợi nhớ đến Triển lãm Công nghiệp ô tô quốc tế Thượng Hải một tháng trước đó, khi những người tham quan chen chúc xung quanh các mẫu xe điện mới nhất.
Sự phấn khích xung quanh năng lượng mặt trời và xe điện cho thấy Trung Quốc có thể tiến đến điểm uốn trong quá trình chuyển đổi năng lượng sớm hơn 5 năm khi so với mục tiêu đạt mức đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Nỗ lực triển khai năng lượng sạch của Trung Quốc không còn phải đòi hỏi chương trình trợ cấp khổng lồ của chính phủ để khuyến khích mọi người từ bỏ xe xăng, chuyển sang xe năng lượng mới. Các tấm pin mặt trời giá rẻ là cách sản xuất điện có lãi hơn so với việc đốt than tốn kém. Trong khi đó, chi phí vận hành xe điện vận hành rẻ hơn và mang lại trải nghiệm thú vị hơn khi lái so với các phương tiện chạy bằng xăng.
Tuần trước, Công ty tài chính năng lượng mới BloombergNEF nâng dự báo về công suất lắp đặt năng lượng mặt trời vào năm 2023 của Trung Quốc. Hiện tại, BloombergNEF dự báo công suất lắp đặt điện mặt trời trong năm nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đạt 154 GW, cao gần gấp 3 lần so với năm 2021 và nhiều hơn tổng công suất điện mặt trời đã lắp đặt ở Mỹ.
Liu Hanyuan, Chủ tịch của Tongwei (Trung Quốc), nhà sản xuất polysilicon, vật liệu để sản xuất tấm pin mặt trời, nhận định công suất lắp đặt điện mặt trời ở Trung Quốc có thể tăng lên 200-300 GW vào năm tới. Trong khi đó, xe điện chiếm hơn 1/3 tổng doanh số bán xe mới tại Trung Quốc vào tháng trước.
Các tốc độ tăng trưởng bùng nổ đó đang đưa Trung Quốc đến gần điểm bùng phát khi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch rơi vào tình trạng suy giảm dài hạn, một cột mốc có thể đạt được ngay trong năm tới, theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), có trụ sở ở Phần Lan.
BloombergNEF nhận định Trung Quốc sẽ đạt mức đỉnh phát thải khí nhà kính trong năm nay, thay vì năm 2030 như mục tiêu đặt ra của nước này. Điện sạch sẽ đóng góp phần lớn cho sự suy giảm phát thải khí nhà kinh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.,
“Trung Quốc là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục vị thế này cho đến năm 2030,” Jenny Chase, nhà phân tích năng lượng mặt trời hàng đầu của BloombergNEF, nói.
Tuy nhiên, còn đường phía trước sẽ không dễ dàng, vì Trung Quốc cần phải mở rộng mạng lưới điện để theo kịp với tốc độ sản xuất điện trời hiện tại.
Trung Quốc đang triển khai các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các dự án lưu trữ năng lượng. Có dấu hiệu cho thấy một số lưới điện ở Trung Quốc bị quá tải điện vào giữa ngày khi sản lượng năng lượng tái tạo tăng mạnh.
Việc xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn ở các vùng sa mạc xa xôi cũng đang thách thức khả năng bắt kịp công suất truyền tải của các lưới điện. Năm 2010, việc triển khai công suất năng lượng tái tạo cao hơn công suất lưới điện có thể xử lý đã khiến các dự án điện mặt trời cắt giảm hoạt động.
Trong khi đó, nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời phải đối mặt triển vọng lợi nhuận thu hẹp lợi nhuận do cạnh tranh gay gắt. Và các nhà sản xuất pin của Trung Quốc cần tránh các tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng.
Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, có thể đạt các mục tiêu khí hậu hiện tại và mục tiêu phát thải zero ròng vào năm 2050 nếu tăng đầu tư vào các công nghệ khử cacbon lên khoảng 38 nghìn tỉ đô la, theo BloombergNEF. Điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ngành điện, nguồn phát thải carbon lớn nhất. Các khoản đầu tư sẽ bao gồm lưu trữ năng lượng, sản xuất điện hạt nhân và công nghệ thu hồi carbon, đồng thời mở rộng triển khai năng lượng mặt trời và gió.
Khánh Lan (Theo Bloomberg)