Báo cáo tình trạng nợ bền vững của thị trường Trung Quốc, do CBI công bố hôm 9/6, cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nhanh chóng mở rộng quy mô thị trường nợ bền vững để đạt được mục tiêu phát thải zero ròng năm 2060 và đạt mức phát thải cao nhất trước năm 2030. Trái phiếu xanh là chứng khoán có thu nhập cố định được thiết kế để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.
Trung Quốc hiện là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/3 tổng lượng khí thải toàn cầu. Theo China International Capital Corp, để đạt được mục tiêu phát thải zero ròng vào năm 2060, Trung Quốc cần vay nợ 140 nghìn tỉ nhân dân tệ (19,6 nghìn tỉ đô la Mỹ) trong vòng 40 năm tới.
“Sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc đã củng cố sự tăng trưởng của một thị trường nợ bền vững khổng lồ với những đặc điểm độc đáo. Hoạt động phát hành trái phiếu xanh tăng tốc có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp nặng”, báo cáo CBI nhận định.
Nếu chỉ tính trái phiếu xanh phù hợp với định nghĩa của CBI, Trung Quốc cũng là nhà phát hành hàng đầu trong năm 2022. Các tổ chức ở Trung Quốc đã phát hành 85,4 tỉ đô la trái phiếu xanh đáp ứng định nghĩa của CBI năm ngoái, tiếp theo là Mỹ với 64,4 tỉ đô la và Đức với 61,2 tỉ đô la, theo CBI.
Khối lượng trái phiếu xanh tích lũy của Trung Quốc trong cơ sở dữ liệu của CBI đạt 289,6 tỉ đô la vào cuối năm 2022, đứng thứ hai sau Mỹ với khối lượng trái phiếu xanh 380 tỉ đô la.
“Các sáng kiến phát triển ngành công nghiệp chiến lược quan trọng của Trung Quốc, chẳng hạn như kế hoạch phát triển nhiên liệu hydro, sản xuất xe điện và mở rộng công suất năng lượng tái tạo, sẽ tiếp tục có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới. Các công cụ nợ bền vững sẽ là kênh quan trọng để khai thác những cơ hội đó”, báo cáo của CBI cho hay.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy tính đến cuối năm 2022, thị trường trái phiếu xanh của Trung Quốc đã đạt giá trị 300 tỉ đô la. Có 1.029 tổ chức tham gia phát hành trái phiếu xanh với 70% được định danh bằng nhân dân tệ và 30% còn lại chủ yếu được định danh bằng độ la Mỹ. Năng lượng tái tạo thu hút nhiều nguồn tài trợ nhất với khoảng 46% dự án có ít nhất một phần vốn đầu tư được huy động từ trái phiếu xanh.
Trong khi Trung Quốc đã xây dựng một thị trường trái phiếu xanh ấn tượng, tính minh bạch thường không cao, làm dấy lên mối lo ngại về tẩy rửa xanh của các nhà đầu tư quốc tế.
Trong khi đó, Hồng Kông có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động dòng vốn cần thiết để hỗ trợ cả quá trình chuyển đổi carbon của đặc khu này và Trung Quốc đại lục, theo báo cáo thông tin thị trường nợ xanh và bền vững của Hồng Kông năm 2022, cũng được CBI công bố hôm 9/6.
“Hồng Kông có chương trình nghị sự về khí hậu riêng và cũng đóng vai trò là nền tảng tài chính xanh cho các quốc gia và khu vực lân cận”, Deng Manshu, Phó giám đốc chương trình Trung Quốc tại CBI, phát biểu tại hội nghị kết nối trái phiếu khí hậu 2023 châu Á-Thái Bình Dương tại Hồng Kông hôm 9/6.
Hồng Kông đã thực hiện đợt phát hành trái phiếu xanh lớn nhất vào ngày 1/6, huy động được 6 tỉ đô la Mỹ trong một thỏa thuận đa tiền tệ. Đây là một phần trong nỗ lực của Hồng Kông nhằm thiết lập thành phố này một trung tâm tài chính xanh quốc tế.
Chính quyền Hồng Kông đã phát hành gần 16 tỉ đô la trái phiếu xanh kể từ đợt phát hành đầu tiên vào năm 2019, Cục trưởng Dịch vụ tài chính và kho bạc Hồng Kông Christopher Hui Ching-yu cho biết tại một hội nghị hồi tháng trước.
Vào cuối tháng 5, cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông công bố tài liệu thảo luận để thu thập phản hồi từ các bên liên quan về việc phát triển khung “phân loại xanh” tại địa phương. Khung này sẽ phân loại các hoạt động kinh tế được coi là thân thiện với môi trường hoặc bền vững.
Theo báo cáo của CBI, sự tăng trưởng mạnh mẽ của trái phiếu xanh và bền vững phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm khu vực và quốc tế về tài chính xanh và bền vững.
Chánh Tài (Theo SCMP)