Các khoản đầu tư của Trung Quốc đang định hình đáng kể cơ cấu năng lượng ở châu Phi và giúp nhiều quốc gia chuyển đổi sang sử dụng điện tái tạo.
So với các nước phương Tây, Trung Quốc có những nguồn vốn đặc biệt và đáng kể hỗ trợ vai trò của nước này như một chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Phi. Theo báo cáo Hợp tác Khí hậu trên Thời báo Đa cực, so sánh sự hợp tác của Liên minh châu Âu và Trung Quốc với châu Phi về mặt chuyển đổi năng lượng, cam kết năng lượng của Trung Quốc ở châu Phi xoay quanh 3 biến số chính giúp quốc gia này trở thành nhân tố chủ chốt trong quá trình chuyển đổi trên lục địa.
Đầu tiên, báo cáo chỉ ra công suất sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió của Trung Quốc giúp nước này trở thành nguồn cung cấp năng lượng xanh lớn nhất. Như vậy chỉ riêng năm 2023, Nam Phi nhập khẩu 3,4 GW tấm pin mặt trời từ Trung Quốc. Con số này tương đương với khoảng 5% tổng công suất điện lắp đặt của cả nước vào năm 2022.
Năng lực sản xuất cao với chi phí tương đối thấp cho phép Trung Quốc luôn góp mặt trong một số dự án ở châu Phi, ngay cả khi nước này không trực tiếp tham gia. “Quy mô ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc đồng nghĩa với việc tất cả các mối quan hệ đối tác năng lượng sẽ khó tránh khỏi sự ảnh hưởng của nước này, đặc biệt là ở những môi trường nhạy cảm về giá như châu Phi”.
Biến thứ hai được nhắc đến là thị phần khổng lồ của các công ty Trung Quốc ở châu Phi. Thực vậy, các công ty xây dựng Trung Quốcmọc lên như nấm ở châu Phi. “Hơn 500 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở lục địa này và dựa trên doanh thu của 250 công ty hàng đầu, thị phần của các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Phi là khoảng 61,9%”.
Các công ty này có thể dễ dàng đa dạng hóa công việc của mình, từ xây cầu và bệnh viện, đến lắp đặt các cơ sở năng lượng tái tạo như đập thủy điện và nhà máy điện mặt trời.
Biến số cuối cùng trong cam kết của Trung Quốc đối với việc phát triển năng lượng tái tạo ở châu Phi liên quan đến tài chính. Báo cáo cho biết các công ty nhà nước Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng Trung Quốc cũng như công ty bảo hiểm nhà nước Sinosure.
Điều này cho phép các nhà thầu cung cấp các dự án cho các quốc gia tiếp nhận dưới dạng hợp đồng trọn gói, với nguồn tài chính và đầu thấu được thống nhất trong một quy trình hiệu quả. Bất chấp nguy cơ thiếu giám sát và trục lợi ngày càng tăng, báo cáo lưu ý rằng “cách tiếp cận này đã giảm thời gian thực hiện trung bình của các dự án Trung Quốc xuống còn 3 năm, so với 7 năm đối với các dự án của Ngân hàng Thế giới”.
Bội Nghi (Theo AFP)