Báo cáo tài chính công bố lợi nhuận của các công ty dầu khí khắp nơi cho thấy họ đã đạt được mức lời kỷ lục trong năm 2022. Chỉ riêng năm tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới – gồm Shell, Chevron, ExxonMobil, BP và TotalEnergies – đã bỏ túi hơn 150 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận ròng. Sở dĩ có sự đổi chiều này tiếp theo sau thời kỳ làm ăn bết bát do đại dịch Covid-19 khiến sản xuất gần như ngưng trệ là nhờ vào chiến sự Nga – Ukraine đẩy giá dầu tăng cao.
Tuy vậy, sự thịnh vượng của ngành dầu khí trong vài năm gần đây lại gắn liền với một mối nguy hiểm ngày càng hiện hữu ảnh hưởng đến đời sống của từng người trong chúng ta: hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Hôm thứ Tư tuần này, 17/5, website CNN đăng bài cảnh báo rằng trong vòng 5 năm tới cả thế giới lần đầu tiên có thể sẽ vượt qua ngưỡng quan trọng liên quan đến biến đổi khí hậu dưới tác động kép của nạn ô nhiễm làm giữ lại nhiệt (gây ra do các loại khí như CO2, mê tan, v.v…) và hiện tượng El Nino sắp hoành hành, theo quan điểm của WMO.
Bài báo trên CNN viết rằng nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên trong những năm gần đây vì con người không ngừng sử dụng năng lượng hóa thạch – như than đá, dầu hỏa và khí đốt. WMO dự đoán giữa 2023 và 2027, xác suất sẽ lên đến 66% đối với khả năng nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C cao hơn mức trung bình trong thời kỳ tiền công nghiệp. Mỗi đợt tăng nhiệt độ như vậy sẽ kéo dài ít nhất một năm.
Hậu quả gần như không thể tránh được là sẽ có ít nhất một năm trong vòng 5 năm tới nhiệt độ sẽ lên cao chưa từng thấy trên hành tinh này, báo cáo của WMO cho biết.
Theo Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015, nhiều quốc gia thành viên đã cam kết kéo nhiệt độ toàn cầu xuống mức dưới 2 độ C – hay ít nhất 1,5 độ C – so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tại sao lại là 1,5 độ C?
Các nhà khoa học cho rằng, mức 1,5 độ C chính là mấu chốt, bởi lẽ quá mức đó sẽ chắc chắn gia tăng trầm trọng các hiện tượng khí hậu cực đoan – như ngập lụt, hạn hán, cháy rừng và nạn đói.
CNN dẫn lời Tổng thư ký WMO, giáo sư Petteri Taalas, cho biết không phải nhiệt độ toàn cầu lúc nào cũng sẽ vượt mức 1,5 độ C, nhưng WMO cảnh báo rằng mức tăng này sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Đối với người Việt, điều đó có nghĩa là đợt nắng nóng kỷ lục năm nay sẽ không phải là một ngoại lệ!
Trái đất nóng thêm là do các nguồn ô nhiễm làm giữ lại nhiệt từ nhiên liệu hóa thạch cũng như hiện tượng El Nino (có thể hiểu đơn giản là sự nóng lên của nhiệt độ bề mặt nước biển nhiệt đới thuộc vùng phía đông và vùng trung tâm Thái Bình Dương).
Theo Tổng thư ký WMO Taalas, El Nino sẽ mạnh hơn trong những tháng tới. Kết hợp với biến đổi khi hậu do hoạt động con người gây ra, hiện tường này sẽ đẩy nhiệt độ tăng cao chưa từng có. Kèm theo đó là hậu quả khôn lường cho sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nguồn nước và môi trường. “Chúng ta cần chuẩn bị (cho việc này)”, ông Taalas nói.
Cho đến nay, năm nóng nhất từng ghi nhận được trên thế giới là năm 2016, tiếp ngay sau đó là hiện tượng El Nino rất mạnh. Vì El Nino thường làm tăng nhiệt độ của năm sau khi nó xảy ra, năm 2024 được dự báo sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Nhiệt độ gần bề mặt trung bình cho mỗi năm trong giai đoạn từ 2023 đến 2027 dự báo sẽ vào khoảng từ 1,1 – 1,8 độ C cao hơn nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1850 đến 1900. Như vậy, nhiệt độ toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục đà tăng, khiến thế giới ngày càng xa rời kiểu khí hậu đã quen thuộc trước đây.
Như đã nói ở trên, theo các nhà khoa học, nhân loại cần tránh kịch bản nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm tránh được những thay đổi khí hậu gây ra thảm họa và không thể khắc phục.
Vượt quá mức này, nhiệt độ cao có thể kích hoạt các điểm bùng nổ (tipping point), như sự tàn phá các rạn san hô hay làm tan chảy nghiêm trọng các lớp băng địa cực. Hệ quả là mực nước biển tăng lên, dẫn đến các thảm họa sinh thái – môi trường.
Ví dụ như ở Mỹ, theo bài báo, khoảng 13 triệu người có thể phải rời khỏi nơi cư trú vì mực nước biển tăng vào cuối thế kỷ này. Hay vào tháng ba năm nay, nhiều địa phương tại Argentina đã phải vật lộn với nhiệt độ 10 độ C cao hơn mức bình thường. Chỉ trong năm nay, nhiều “kỷ lục” nắng nóng đã bị phá khắp nơi trên thế giới.
Và đó là những gì xảy ra ở các nơi khác. Thử nghĩ chuyện gì sẽ đến với Việt Nam trong điều kiện tương tự!
Mục tiêu hãy còn xa
Bài báo của CNN cho rằng ngưỡng 1,5 độ C có thể quan trọng, nhưng tự thân ngưỡng đó không hẳn là chuyện đã an bài.
Ngay cả khi nhiệt độ chỉ tăng một mức rất nhỏ trong biên độ 1,5 độ C, điều đó đã đủ gây hậu quả tại hại. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là chỉ cần giảm một mức rất nhỏ cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể.
Nói như vậy để thấy rằng, theo các nhà khoa học, trong khi dư địa xoay chuyển biến đổi khí hậu còn lại rất ít, nhân loại vẫn còn có thể giảm bớt tác hại của nó bằng cách thay đổi thói quen sử dụng dầu mỏ, than đá và khí đốt. Thay vào đó, hãy dùng nhiên liệu sạch.
Một số khác kêu gọi thực hiện các giải pháp thích nghi để chuẩn bị đối phó tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, như xây dựng hệ thống đê biển để bảo vệ người dân khỏi nước biển dâng.
Cuối năm nay, lãnh đạo các quốc gia lại tề tựu về COP28 ở Dubai (thủ đô Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) để đánh giá những việc đã làm theo cam kết ở COP21. So với mục tiêu đầy tham vọng họ đã hứa tại Paris tám năm trước – cắt giảm 40% ô nhiễm gây giữ nhiệt vào năm 2030 nhằm giữ trái đất “nguội hơn 1,5 độ C” – mục tiêu đó xem ra còn rất xa!
Vỹ Du (Nguồn: CNN)