Nhiều kỷ lục có thể bị xô đổ
Mặc dù Mông Cổ vốn có khí hậu lục địa khắc nghiệt, nhưng tuyết rơi vào mùa hè là một hiện tượng hiếm thấy. Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Mông Cổ đã kêu gọi người dân chủ động phòng tránh các thảm họa có thể xảy ra.
Trong khi đó, các quốc gia Địa Trung Hải đã phải hứng chịu thêm một tuần nắng nóng khắc nghiệt, làm bùng phát các vụ cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển Algeria ở phía Bắc châu Phi. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, những đợt nắng nóng nguy hiểm này xảy ra trong bối cảnh Bắc Bán cầu bước vào ngày đầu mùa hè. Tại Serbia, giới chuyên gia khí tượng dự báo quốc gia Đông Nam Âu này sẽ ghi nhận nhiệt độ khoảng 40 độ C trong tuần này.
Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, các khu vực ở Trung Tây và Đông Bắc nước này cũng đang chìm trong nắng nóng gay gắt, buộc nhà chức trách ban bố cảnh báo nắng nóng có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe người dân. Đã có hơn 1.000 người, trong số gần 2 triệu người Hồi giáo từ khắp thế giới, tham gia lễ hành hương Hajj năm nay tại TP Mecca (Saudi Arabia), tử vong do sốc nhiệt khi nắng nóng khoảng 50 độ C.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, “xô đổ” kỷ lục về nắng nóng ghi nhận năm 2023. Dù vậy, tổ chức này nhận định, sự trở lại của hiện tượng thời tiết La Nina trong năm nay sẽ có thể đem lại thời tiết mát mẻ hơn cho một số khu vực trên Trái đất.
Trông đợi nỗ lực của các chính phủ
Kết quả một cuộc thăm dò trên phạm vi toàn cầu công bố ngày 20/6 với 75.000 người tham gia cho thấy, cứ 5 người thì có 4 người muốn đất nước của họ tăng cường các cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Cuộc khảo sát, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại học Oxford và GeoPoll thực hiện, đã đặt ra 15 câu hỏi bằng các cuộc gọi điện thoại ngẫu nhiên tới người dân ở 77 quốc gia, đại diện 87% dân số thế giới. Phát hiện quan trọng của cuộc thăm dò là 80% số người được hỏi muốn chính phủ của họ tăng cường nỗ lực chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo khảo sát, người dân các quốc gia nghèo ủng hộ chính sách này nhiều nhất (89%), trong khi tỷ lệ ủng hộ ở các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng ở mức cao (76%). Những quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, cũng có đa số người được hỏi ủng hộ hành động vì khí hậu, trong đó ở Trung Quốc là 73% và ở Mỹ là 66%.
Các nhà khoa học luôn cảnh báo, biến đổi khí hậu mà biểu hiện là sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, hạn hán, lũ lụt, mực nước biển sẽ dâng cao hơn và các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn.
Theo bà Cassie Flynn, Giám đốc Khí hậu toàn cầu của UNDP, những kết quả này là bằng chứng không thể phủ nhận rằng mọi người ở khắp mọi nơi đều ủng hộ hành động táo bạo về khí hậu.
Hạnh Chi (tổng hợp)