“Thời” của trái phiếu xanh đang đến
Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Đây sẽ là kênh huy động vốn hữu hiệu để giải quyết nút thắt về vốn cho các dự án chuyển đổi xanh mà theo Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, cần 368 tỷ USD cho tới năm 2040 để đạt Net zero vào năm 2050.
Nhu cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023, cùng với những thay đổi về quy định mang lại sự minh bạch và niềm tin cao hơn cho thị trường. Theo Bloomberg, trái phiếu xanh tiếp tục thống trị thị trường trái phiếu bền vững với 935 trái phiếu xanh được phát hành, huy động được 351 tỷ USD và lập kỷ lục trong nửa đầu năm 2023 về giá trị vốn huy động từ các nhà đầu tư. Điều này cũng khiến năm 2023 có thể trở thành năm kỷ lục về phát hành trái phiếu xanh.
Việc phát hành trái phiếu xanh của các ngân hàng chiếm phần lớn số vốn huy động được trong nửa đầu năm ở mức 123 tỷ USD và cao hơn nhiều so với những năm trước, do ngành Ngân hàng toàn cầu tiếp tục tài trợ cho ngày càng nhiều dự án xanh. Trong khi châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể thì châu Âu tiếp tục là thị trường trái phiếu xanh lớn nhất với 448 trái phiếu xanh được phát hành từ đầu năm đến nay, huy động được tổng cộng 190 tỷ USD.
Việt Nam đã phát hành gần 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh từ năm 2019 đến năm 2023. Cho đến nay, thị trường tài chính xanh ở Việt Nam được xây dựng trên ba hợp phần: Thị trường tín dụng xanh, thị trường chứng khoán xanh và thị trường trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho trái phiếu xanh.
Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương cho các dự án/công trình “xanh” như thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời.
Trái phiếu xanh giúp giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu
Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR, 2022) cho biết, Việt Nam đã thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050 nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (zero carbon) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Để thực hiện mục tiêu này, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng Việt Nam cần khoảng 21,2 tỷ USD cho 10 năm tới.
Trên thực tế, quá trình chuyển đổi xanh và giảm phát thải để đáp ứng cam kết Net Zero của Việt Nam còn là một chặng đường dài, với vô số khó khăn, thách thức. Các dự án tăng trưởng bền vững thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và chứa đựng nhiều rủi ro nên khó thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn từ khu vực tư nhân. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển, các dự án xanh, trái phiếu xanh sẽ mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực hạ tầng và năng lượng tái tạo.
Trong đó, trái phiếu xanh là một kênh huy động vốn hiệu quả đối với những nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn từ xã hội để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Nhằm khuyến khích sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư chỉ đạo các tổ chức phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh tận dụng ưu đãi giảm 50% giá dịch vụ trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Việt Nam là thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt trên 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để thị trường trái phiếu xanh Việt Nam không phát triển méo mó và nhất là không trở thành mối nguy nợ xấu cho hệ thống tài chính, cần bảo đảm việc phát hành và sử dụng nguồn vốn trái phiếu tuân thủ các chuẩn mực chặt chẽ của thị trường trái phiếu.
Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý, tiêu chuẩn về các dự án được tài trợ vốn từ phát hành trái phiếu xanh và các chính sách ưu tiên khác cho loại hình này, trong đó, tính minh bạch là rất quan trọng.
Hoàng Minh