Cần 400-500 tỉ USD để phục vụ chuyển đổi xanh
Trung hoà carbon, net-zero có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp và tại sao phải hướng đến mục tiêu này, thưa ông?
– Đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình luôn mong muốn hình ảnh của họ phải tốt hơn trong mắt người tiêu dùng. Trong đó, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ đã, đang làm rất tốt điều này; song số lượng này không nhiều. Vẫn còn đó các công ty vừa và nhỏ, năng lực kỹ thuật cũng như nhận thức về net-zero còn hạn chế.
Nhưng kể từ khi chúng ta cam kết phát thải ròng bằng 0 vào 2050, chúng tôi thấy có sự chuyển biến rất lớn của doanh nghiệp. Bởi họ nhận thức được rằng, chuyển đổi xanh không chỉ làm cho hình ảnh doanh nghiệp tốt hơn mà nguồn tài chính cho chuyển đổi xanh, trung hoà carbon cũng lớn hơn khi doanh nghiệp vay vốn. Đây là xu hướng quốc tế không thể thay đổi được.
Phát triển năng lượng sạch và thoát ly dần nguồn năng lượng hoá thạch khác như than, dầu và khí đốt được thúc đẩy mạnh mẽ. Vậy, điều này dẫn đến sử chuyển dịch nguồn tài chính quốc tế sang các lĩnh vực năng lượng sạch. Ông nhận định sao về vấn đề này?
– Chuyển dịch sang nguồn năng lượng mới sạch hơn, xanh hơn là xu hướng quốc tế trong 2-3 thập kỷ qua; nguồn tài chính phục vụ cho việc chuyển đổi ở thời điểm này có thể nói là vô cùng lớn. Tôi cho rằng, những quốc gia đang phát triển như Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và đứng trước ngưỡng cửa thu hút các dòng vốn từ sự chuyển dịch xanh.
Gần đây chúng ta đã tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP), mặc dù số tiền cam kết chỉ là 15,5 tỉ USD trong 3-5 năm tới, nhưng đó là bước đầu tiên, là cú hích trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam đã và đang chuyển dịch năng lượng từ năng lượng hoá thạch, truyền thống sang các nguồn năng lượng bền vững hơn, sạch hơn như điện gió, điện mặt trời, thuỷ điện…
Song, để đạt được mục tiêu đề ra theo lộ trình, thì nguồn tài chính phục vụ cho quá trình này phải lên tới 400-500 tỉ USD; nguồn tài chính này đương nhiên với bất kỳ quốc gia nào đều là một khoản rất lớn.
Do đó, cần có những chính sách, động thái để khuyến khích khối tư nhân, khối tài chính cùng tham gia vào quá trình hướng đến phát thải ròng bằng 0 thông qua những dự án xanh, dự án chuyển dịch năng lượng sạch hơn và xanh hơn trong thời gian sắp tới.
Chuyển đổi xanh tích hợp vào chuỗi cung ứng và vòng đời của sản phẩm
Trong thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của chúng ta đã đạt được kết quả ban đầu quan trọng như thế nào thưa ông?
– Ở phạm vi trong nước, tất cả các lĩnh vực của chúng ta ở các địa phương đều đã có các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi muốn nói rằng không có hoạt động nào chỉ nhằm mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu mà luôn có các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tích hợp với nhau. Ngược lại, bất kỳ hoạt động nào cũng có thể đóng góp cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp, công ty cũng đã lồng ghép trách nhiệm của họ với cộng đồng, hay đề ta tiêu chí liên quan đến môi trường, xã hội. Điều này càng ngày càng tích hợp vào chuỗi cung ứng và vòng đời của bất kỳ sản phẩm nào.
Thưa ông, cần triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu như thế nào?
– Việc chúng ta vẫn thường xuyên làm là tăng cường tính thích ứng của cộng đồng. Xây dựng kịch bản của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, đánh giá tác động đối với từng khu vực, từng lĩnh vực, đi đến tận huyện, tận xã xem tác động lên đời sống kinh tế – xã hội như thế nào.
Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì hoạt động sản xuất kinh doanh luôn có sự thay đổi, chính vì sự thay đổi đó nên tác động đến cộng đồng cũng thay đổi theo.
Địa phương sẽ phải cập nhật số liệu liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu lên địa phương, ngành sản xuất kinh doanh của họ. Căn cứ vào đó họ đề ra những nhiệm vụ để giảm thiểu tác động đối với cộng đồng xã hội, tăng cường khả năng chống chịu đối với hệ sinh thái tự nhiên.
Để làm hiệu quả phải có sự vào cuộc của địa phương, cấp xã, cấp phường. Sức chống chịu của cộng đồng xã hội nói chung có sự cải thiện, nhưng với hệ sinh thái tự nhiên cần quan tâm hơn. Đòi hỏi tất cả các lĩnh vực khác đều phải có sự quan tâm đến hệ sinh thái – lá chắn với biến đổi khí hậu.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguyễn Hà – Cường Ngô (thực hiện)