Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải đã trở thành xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo thực hiện các cam kết, đóng góp có trách nhiệm về biến đổi khí hậu cùng cộng đồng quốc tế. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam xác định các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ với mục tiêu và lộ trình cụ thể để đạt phát thải ròng về “0″ (Net Zero) vào năm 2050.
Việt Nam cũng cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 với mục tiêu giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 lên đến 15,8% và mục tiêu có điều kiện lên đến 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường. Đây đều là những mục tiêu rất tham vọng nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi nguồn lực về tài chính và công nghệ vô cùng lớn.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để hiện thực hóa được những mục tiêu này, Việt Nam đã khẩn trương hành động trên toàn hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội. Thứ nhất, Việt Nam đã điều chỉnh và ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.
Thứ hai, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính… Thứ ba, các Bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam đã và đang nghiên cứu, phát triển, khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, hydrogen xanh,… Thứ tư, tất cả các thành phần kinh tế đã bắt đầu áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Thứ năm, Việt Nam đã công bố “Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) vào cuối năm 2022 với Nhóm các đối tác quốc tế…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cũng cho rằng, nền tảng của quá trình chuyển đổi xanh bao gồm việc chuyển đổi năng lượng, loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam không thể trở thành hiện thực khi thiếu sự hợp tác rộng khắp giữa các đối tác, các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu.
Vì vậy, Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn nữa với Canada trong các nỗ lực chuyển dịch năng lượng, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nâng cao mục tiêu năng lượng tái tạo và tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu của toàn xã hội và nền kinh tế; đảm bảo một quá trình chuyển đổi xanh có hiệu quả, có lợi nhất cho người dân và tất cả các tổ chức, đối tác và các quốc gia tham gia.
“Chuyển đổi xanh phải dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá. Và hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm để các quốc gia trên toàn thế giới tăng cường hợp tác, cùng vượt qua các rào cản, khó khăn trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, để không ai trong chúng ta phải bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội bứt phá nào” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Mary Ng – Bộ trưởng Bộ Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong hành trình hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Là đối tác toàn diện, Canada cam kết đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, cũng như sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về biến đổi khí hậu, năng lượng, tái tạo và quản lý carbon, từ đó làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương.
Trong thời gian tới, cả hai quốc gia cùng hướng tới thúc đẩy kết nối giữa các cơ quan và doanh nghiệp liên quan, nâng cao lợi ích chung trong quản lý phát thải nhà kính, thị trường carbon và đổi mới công nghệ như thu hồi và sử dụng carbon, báo hiệu một hướng đi đầy hứa hẹn cho hợp tác song phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe, thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: chính sách biến đổi khí hậu và cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam; tổng quan về các hệ sinh thái, kế hoạch và hành động của Canada hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”; Quy định pháp luật về quản lý carbon tại một số địa phương của Canada; Đạo luật Trách nhiệm về phát thải ròng bằng “0” của Canada và theo dõi tiến độ giảm phát thải, vai trò của các tổ chức chuyên môn trong quản trị khí hậu.
Đồng thời, các đại biểu tham dự Hội thảo còn được tham dự Tọa đàm “Chuyển đổi năng lượng sạch: Chiến lược và chính sách về giảm phát thải” và “Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp“; cùng thảo luận bàn tròn: “Các cơ hội hợp tác Việt Nam – Canada”.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, kết quả Hội thảo “Hướng tới mục tiêu Net Zero: Trao đổi kinh nghiệm Việt Nam – Canada” lần này sẽ thúc đẩy các đối thoại và trao đổi kiến thức giữa Việt Nam – Canada về các chủ đề liên quan đến cam kết, kế hoạch và mục tiêu về biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực cùng quan tâm, bao gồm: quản lý carbon, thị trường carbon, sử dụng và lưu trữ carbon; ngừng hoạt động, tái sử dung các nhà máy đốt than và giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.
Ngoài ra, hội thảo đã thực sự mang đến cơ hội chia sẻ về góc nhìn, thúc đẩy kết nối mạng lưới, xác định phương thức áp dụng kiến thức chuyên môn của Canada vào việc hỗ trợ các cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam, cũng như xác định các cơ hội hợp tác giữa Canada và Việt Nam, từ hai góc độ hợp tác phát triển và thương mại.
Nguyễn Thanh