Ngành xây dựng chịu trách nhiệm giảm 74,3 triệu tấn CO2
Thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP28 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng luôn phải thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, từng bước thay thế nguyên vật liệu gây phát thải khí nhà kính; giảm, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể.
Tại Hội thảo, ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) chia sẻ, việc phát triển các công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích, chưa có quy định cụ thể nào bắt buộc.
“Số lượng công trình xanh đã tăng lên đáng kể hàng năm, nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì con số này còn khá khiêm tốn. Việt Nam cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng “0””, ông Huy cho biết.
Theo chuyên gia của Bộ TN&MT, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, lĩnh vực xây dựng phải chịu trách nhiệm giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương. Phát triển vật liệu xanh vì thế trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.
Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong các công trình xây dựng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất vật liệu xanh tại Việt Nam còn hạn chế, giá thành chưa cạnh trạnh so với các vật liệu truyền thống khác.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ các công trình xanh, vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam, việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành cần chú trọng hơn nữa.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các vật liệu xanh, các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng “0”, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa các bon…
Ngành xây dựng đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính gồm: phát thải từ quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng, phần lớn là sản xuất xi măng, quá trình nung clinker; quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hóa thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại gọi là phát thải trực tiếp, thuộc nhóm phát thải năng lượng.
Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kịch bản giảm khí nhà kính
Theo ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính (KNK) so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê KNK theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngành Công Thương tuân thủ quy định về kiểm kê KNK; hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải KNK cho các ngành công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế và triển khai các giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Chia sẻ về thuận lợi, khó khăn trong kiểm kê khí nhà kính, ông Hoàng Văn Tâm, cho biết, thuận lợi là ở kiểm kê khí nhà kính có tính bắt buộc với căn cứ pháp lý đầy đủ; nhu cầu của doanh nghiệp và có hướng dẫn của quốc tế về kiểm kê và báo cáo thẩm định. Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế là về nguồn lực con người; tài chính; hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn; số liệu còn khiếm khuyết, chưa đồng bộ.
Theo ông Tâm, bài học kinh nghiệm ở đây là phải hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu (BĐKH); nâng cao nhận thức của các bên có liên quan; từng bước nâng mức độ, yêu cầu đối với kiểm kê khí nhà kính và đào tạo, tập huấn kiểm kê khí nhà kính cho các bên liên quan.
Còn theo ông Huỳnh Thành Trung, đại diện Liên minh Công nghiệp Việt Nam (VISA), hiện nay, các doanh nghiệp, nhà máy đang duy trì sản xuất đều phát thải ra môi trường. Và để chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp xanh thì doanh nghiệp cần phải đo được mức phát thải của doanh nghiệp mình để hướng tới đạt được mức net zero. Điều này cho thấy các nhà sản xuất cần kiểm kê đầu vào của các nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là nguyên liệu thô.
Ông Huỳnh Thành Trung nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kịch bản giảm KNK để thích ứng với chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như để thay đổi theo chuỗi cung ứng của thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, kiểm kê KNK đang là thách thức của doanh nghiệp, bởi hiện nay tiêu chuẩn ngày càng nhiều hơn, càng khó hơn, mỗi thị trường lại khác nhau.
“Bởi vậy, các doanh nghiệp cần nắm được các tiêu chuẩn để đáp ứng được yêu cầu của thị trường để lựa chọn hướng đi cho mình. Đây cũng là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, song cũng là thách thức trong tương lai để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh ngành công nghiệp”, ông Huỳnh Thành Trung nói.
Hoài Anh