Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên IATA AGM diễn ra tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) từ ngày 2 đến 4/6 vừa qua, Vietnam Airlines đã ký kết thỏa thuận hợp tác tham gia dự án đo lường phát thải khí CO2 do IATA phát triển.
Theo thỏa thuận, Vietnam Airlines sẽ cung cấp dữ liệu để IATA sử dụng cho việc tính toán số liệu về khí phát thải trung bình trên mỗi hành khách cho từng đường bay, loại máy bay. Đây là những bước đầu tiên để đo, đếm tín chỉ carbon, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Chính phủ.
Hiện nay, giảm phát thải CO2, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành hàng không thế giới. Tuy nhiên, việc khai báo và đo lường các chỉ tiêu phát thải CO2 đang được thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau, dẫn đến không đồng nhất về chỉ số giữa các hãng hàng không.
Do đó, IATA đã phát triển dự án CO2 Connect nhằm tạo ra một nền tảng chung để các hãng hàng không khai báo và đo lường lượng khí thải CO2 một cách chính xác, minh bạch và nhất quán. Dự án này sử dụng phương pháp RP-1726, một phương pháp luận có độ tin cậy cao và phù hợp với hầu hết các tiêu chuẩn của các hãng thành viên và ngành hàng không nói chung.
Nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới như American Airlines, British Airways, Cathay Pacific, Japan Airlines, Malaysia Airlines, Qatar Airway đã tham gia dự án này. Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên tham gia dự án.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới năm 2022, Việt Nam phát thải 344 triệu tấn CO2 và dự báo là 450 triệu tấn CO2 tại thời điểm hiện tại. Việc phát thải nhiều dự báo sẽ phải mua tín chỉ đề cân bằng, tạo ra phát triển bền vững.
Vì vậy, việc đo lường phát thải từng chuyến bay, từng đường bay theo quy định quốc tế sẽ giúp các hãng hàng không chủ động quản lý được chi phí, tránh bù đắp bằng cách tăng chi phí đầu vào, ví dụ như giá vé (trong tương lai) để bù đắp vào phần phát thải ra.
Lan Nhi