Sau cuộc họp trực tuyến hôm 30/11, liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài, công bố thỏa thuận cắt giảm nói trên. Nhưng tổng cộng chỉ có 8 thành viên của liên minh, gồm Saudi Arabia, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria, Oman và Nga tham gia thỏa thuận. Saudi Arabia dẫn đầu với mức giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, tiếp theo là Nga (500.000 thùng/ngày) và Iraq (223.000 thùng/ngày).
Sản lượng dầu cắt giảm tự nguyện sẽ được thực hiện trong 3 tháng đầu năm sau và sẽ được phục hồi dần tùy theo điều kiện thị trường. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện này sẽ bổ sung cho mức cắt giảm sản lượng chung hiện tại của OPEC+ là 3,6 triệu thùng/ngày kéo dài đến cuối năm 2024.
Hội nghị bộ trưởng OPEC+ dự kiến tiến hành vào hôm 26/11 nhưng bị hoãn lại đến ngày 30/11 do một số thành viên châu Phi của liên minh phản đối đề xuất cắt giảm sản xuất hơn nữa.
Các nguồn tin cho biết Angola và Nigeria phản đối giảm hạn ngạch sản lượng của họ cho năm 2024 vì cho rằng năng lực sản xuất của họ đang suy yếu. Liên minh OPEC+ đề xuất hạ hạn ngạch của Angola khoảng 200.000 thùng/ngày xuống còn 1,11 triệu thùng/ngày, nhưng đại diện Angola bác bỏ giới hạn này.
“Chúng tôi sẽ sản xuất trên hạn ngạch do OPEC xác định. Đây không phải là vấn đề không tuân thủ yêu cầu của OPEC. Chúng tôi trình bày quan điểm của mình và OPEC nên xem xét điều đó”, Estevao Pedro, đại diện Angola ở OPEC, nói trong một cuộc phỏng vấn. Pedro cho biết, Angola, nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai châu Phi, sẽ bơm 1,18 triệu thùng/ngày kể tháng 1-2024.
Thái độ thách thức này gợi nhớ lại việc Ecuador tuyên bố sẽ vi phạm hạn ngạch sản lượng do OPEC áp đặt vào năm 2017 và cuối cùng rút khỏi tổ chức này vào năm 2020.
Tuần trước, ông Pedro khẳng định Angola sẽ vẫn là thành viên OPEC bất chấp các bất đồng. Nhưng hôm 30/11, ông có vẻ ít chắc chắn hơn về khả năng đó. “Câu hỏi liệu Angola có còn ở lại OPEC hay không là quyết định của cấp có thẩm quyền cao nhất của Angola”, ông nói.
Trong một động thái bất ngờ, Brazil tuyên bố sẽ tham gia hiến chương hợp tác của liên minh dầu OPEC+ vào đầu năm 2024. Các bên ký kết hiến chương này không bị ràng buộc trong các quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+. Brazil, hiện là nước sản xuất dầu lớn nhất Mỹ Latin, sẽ trở thành đối tác thứ 24 của OPEC+.
Hôm 30/11, giá dầu thô ban đầu tăng sau khi thị trường nhận thông tin OPEC+ đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc giảm sảm lượng, có thể giúp ngăn chặn tình trạng dư thừa dự kiến vào đầu năm tới. Nhưng sự lạc quan đó nhanh chóng biến mất vì thiếu các thông tin chi tiết, bao gồm cả việc OPEC+ không tiến hành cuộc họp báo bế mạc hội nghị.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu Brent ở thị trường London giảm 0,3% về mức 82,83 đô la/thùng và giá dầu Tây Texas ở thị trường New York , giảm 2,3%, về mức 75,96 đô la/thùng.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích của ngân hàng UBS, cho rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ chỉ trên cơ sở tự nguyện, do đó, mối lo ngại phần lớn trong số đó có thể là một cam kết trên giấy tờ và thực tế sẽ có ít thùng bị loại khỏi thị trường.
“Giá dầu đang giảm vì cho đến nay, các nhà giao dịch vẫn chưa thấy bằng chứng cụ thể về việc cắt giảm sản lượng đáng tin cậy của OPEC+ cùng với việc tiếp tục cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia và Nga”, Bob McNally, Chủ tịch của hãng tư vấn Rapidan Energy Group, nói.
Các nhà phân tích tại của ngân hàng ING cho rằng quyết định giảm sản lượng tự nguyện cho thấy các thành viên OPEC+ không ủng hộ mạnh mẽ việc này.
“Do đó, nếu cần thêm hành động trong tương lai, OPEC+ ngày càng khó phản ứng hơn”, họ viết trong một báo cáo.
Nhưng các nhà phân tích của ING vẫn dự báo giá dầu thô sẽ tăng do nguồn cung thu hẹp và giá dầu thô Brent có thể tăng vượt mức mục tiêu 82 đô la/thùng của ngân hàng này trong quí đầu tiên của năm 2024.
Giá dầu suy yếu trong hai tháng qua trong bối cảnh nguồn cung dồi dào và kinh tế u ám. Triển vọng có thể còn xấu đi hơn nữa trong năm tới, khi các tổ chức bao gồm Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán tốc độ tăng trưởng nhu cầu sẽ giảm mạnh.
Lê Linh (Theo Bloomberg, CNBC, Investing)