Từ trước đến nay, các chuyên gia và cơ quan quản lý đặt vấn đề cho rằng chuyển đổi xanh là xu hướng mới trên toàn thế giới mà Việt Nam không thể chậm chân. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng “chuyển đổi xanh chính là động lực tăng trưởng mới”.
Thúc đẩy chuyển đổi xanh
Thực tế, từ quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại. Phân tích kĩ các trụ cột để tăng trưởng kinh tế, nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” cho nền kinh tế, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều đang tăng trưởng thấp.
Câu hỏi lúc này đặt ra là “Làm thế nào để chuyển đổi xanh trở thành động lực tăng trưởng?”.
Một trong những cách mà chuyên gia Nguyễn Xuân Thành chỉ ra là cần áp dụng chính sách về giá để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng năng lượng và tài nguyên nước.
“Cần ưu tiên chính sách năm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Trong những kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao thì để có 1% tăng trưởng GDP cần 1,25% – 1,3% tăng trưởng điện. Chính vì vậy cần áp dụng chính sách giá để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hạn chế hoặc không ưu đãi với ngành thâm dụng năng lượng, điện năng. Ứng dụng các giải pháp kĩ thuật, xây dựng, đầu tư hạ tầng để tiết kiệm năng lượng”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Việt Nam cần tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo, thu hút nguồn lực quốc tế. Việt Nam cần có truyền tải điện vững mạnh, thông minh, phản ứng linh hoạt với biến động của cung – cầu.
Nếu Việt Nam vẫn muốn giữ động lực tăng trưởng thì câu trả lời là chuyển đổi xanh
Vậy chuyển đổi xanh liệu có làm tăng chi phí cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “Xu hướng chuyển đổi xanh là cái đã diễn ra. Nếu Việt Nam không triển khai giải pháp chuyển đổi xanh, đến lúc doanh nghiệp bắt buộc phải làm thì mới làm suy giảm tăng trưởng. Nếu chúng ta chủ động có một lộ trình về mặt chính sách và triển khai thì đó là động lực tăng trưởng mới. Nếu Việt Nam vẫn muốn giữ mức tăng trưởng 6,5% – 7% thì động lực mới đến từ tăng trưởng xanh kết hợp đổi mới và ứng dụng công nghệ cao”.
Lộ trình tăng trưởng xanh xuất phát từ ngay đầu tư công. Việt Nam cần tiếp tục duy trì mức đầu tư công cao từ 7,5%-8% GDP. Theo các chuyên gia, cần có lộ trình điểu chỉnh đầu tư công trung hạn, dành nguồn lực thu xếp tài trợ đầu tư công phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Thêm một sáng kiến nữa được các chuyên gia chỉ ra là cần có chi phí đầu tư khổng lồ cho hoạt động xử lý chất thải. Không chỉ đầu tư đảm bảo tính khả thi tài chính trong xử lý chất thải sang biến chất thải thành nguồn năng lượng.
“Chuyển đổi xanh cần gắn liền với phát triển đô thị. Việt Nam cần phát triển các đô thị xanh, giảm phát thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tôi cho rằng nên áp dụng làm mô hình sandbox thí điểm, khuyến khích các địa phương dùng quyền tự quyết để thử nghiệm mô hình đô thị xanh”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh” đang là một xu thế tất yếu của tất cả các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam chúng ta không là ngoại lệ. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi nền kinh tế trên quy mô lớn, ở tất cả các lĩnh vực, các khu vực kinh tế. Đòi hỏi sự đồng thuận trong thay đổi tư duy và hành động của các chủ thể, đặc biệt là các địa phương và doanh nghiệp.
Trà My