Với đặc thù 98% số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, để phát triển bền vững, không thể chỉ trông vào doanh nghiệp lớn tiên phong, mà cần bảo đảm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nhóm yếu thế làm chủ,… không bị bỏ lại phía sau.
Khó khăn trong “chuyển đổi kép”
Chia sẻ tại hội thảo hằng năm về Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Văng Viên Thông, Tổng Giám đốc, nhà sáng lập thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET chia sẻ: Bắt nhịp với xu hướng Net Zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26, thương hiệu REPEET đang nỗ lực hành động góp phần giảm phát thải carbon, giảm rác thải nhựa xả ra môi trường, tối ưu việc tiêu thụ nước trong sản xuất dệt may.
Thay vì sử dụng polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, REPEET sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững từ sợi polyester tái chế có nguồn gốc tại Việt Nam; xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ khâu thu gom, phân loại, tái chế, sản xuất xơ, sợi, dệt vải đến các sản phẩm thời trang. Qua đó, góp phần giảm 57% lượng phát thải carbon, tiết kiệm 70% lượng nước tiêu thụ. “Sử dụng 10 tấn vải REPEET sẽ góp phần tái chế gần 1,45 triệu chai nhựa PET, giảm lượng khí thải carbon ra môi trường tương đương một chiếc ô-tô chạy 57.000 km và tiết kiệm 70.000 lít nước. Hướng đi của doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn mở ra một mô hình kinh doanh mới, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu”, ông Thông khẳng định.
Năm 2023, Tập đoàn Heineken chọn Việt Nam là quốc gia tiếp theo sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo để sản xuất các sản phẩm của nhãn hàng. Đây là một dấu ấn quan trọng trong hành trình hơn 30 năm đầu tư vào Việt Nam của nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới đến từ Hà Lan. Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam cho biết, trước đó, doanh nghiệp đã công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất vào năm 2030 và trong toàn chuỗi giá trị vào năm 2040.
Đến nay, Heineken đã sử dụng 99% nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và toàn bộ các nhà máy đều không để lại rác thải chôn lấp. Tuy nhiên, hành trình này gặp nhiều thách thức về nguồn cung cấp năng lượng tái tạo và hạ tầng tái chế. Đơn cử tại khâu kho vận, doanh nghiệp đang chuyển đổi phương tiện vận chuyển bằng xe tải điện, nhưng những sáng kiến này phụ thuộc nhiều vào tính sẵn có của thị trường và cơ sở hạ tầng giao thông. Do đó, quá trình chuyển đổi xanh không chỉ cần sự nỗ lực từ các doanh nghiệp mà còn cần có sự phối hợp mạnh mẽ từ các đối tác trong chuỗi giá trị. Câu chuyện thực tế của Heineken cho thấy chuyển đổi kép mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn.
Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn
Theo bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, yêu cầu về chuyển đổi xanh đang ngày càng mạnh mẽ hơn tại các thị trường xuất khẩu, trở thành áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu do phải đáp ứng các yêu cầu về báo cáo phát triển, tác động xã hội môi trường, nếu không muốn nằm ngoài chuỗi cung ứng.
Những nỗ lực từ Chính phủ và các tổ chức phát triển về chuyển đổi kép trong thời gian gần đây đã tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, mới chỉ các doanh nghiệp lớn có khả năng tiếp cận, thích ứng và chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới chỉ dừng ở góc độ nhận thức; nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gần như chưa có sự thay đổi cả về nhận thức và hành động hướng tới chuyển đổi kép. Áp lực sẽ trở thành động lực nếu doanh nghiệp biết hóa giải, biến thách thức thành cơ hội.
Cùng quan điểm, ông Trường Bùi, Tổng Giám đốc Công ty Roland Berger cho biết, chuyển đổi kép bao gồm hai yếu tố chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội, động lực mới cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp lớn, việc chuyển đổi số thuận lợi hơn vì có điều kiện dành ngân sách nhất định cho hạng mục này và chiến lược doanh nghiệp rõ ràng; còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi kép vẫn là một thách thức. Nếu có chính sách thu hút đầu tư phù hợp và sự sẵn sàng về mặt bằng đáp ứng các tiêu chí chuyển đổi kép, Việt Nam sẽ đón được sóng đầu tư xanh và số, thu hút được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dẫn dắt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc triển khai chuyển đổi kép luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, nhất là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin. Do đó, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong quá trình này.
Với quyết tâm và cam kết chính trị cao, Việt Nam phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2050 nhằm hướng tới cuộc sống của toàn nhân loại an toàn và tốt đẹp hơn. Quá trình chuyển đổi kép được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, có lộ trình giảm các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, nhất là các doanh nghiệp lớn.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Phương Anh