Hôm 22/3, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), đề xuất các quy định mới nhằm ngăn chặn “tẩy rửa xanh” (greenwashing). Thuật ngữ này ám chỉ đến việc các công ty đưa ra tuyên bố không có cơ sở để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của họ là thân thiện với môi trường hoặc có tác động môi trường tích cực hơn so với thực tế.
Các quy định mới nhắm đến nỗ lực chấn chỉnh hoạt động ghi nhãn hàng hóa liên quan đến môi trường, chẳng hạn như khẳng định một sản phẩm được làm từ “vật liệu tái chế”, “trung hòa carbon”, “có thể phân hủy sinh học”.
Trong báo cáo hồi tháng 11, EC cho biết phát hiện 53% trong số hàng trăm tuyên bố “xanh”, được sử dụng để quảng bá lợi ích môi trường của sản phẩm, dựa vào “thông tin mơ hồ, sai lệch hoặc vô căn cứ về các đặc tính môi trường của sản phẩm”.
Hàng vi tẩy rửa xanh nghiêm trọng nhất là các sản phẩm áo phông với nhãn dán khẳng định sử dụng nguyên liệu từ “chai nhựa tái chế”.
EC cho biết các tuyên bố về tính thân thiện môi trường của sản phẩm cần được xác minh độc lập và phải được hỗ trợ dựa trên căn cứ khoa học. Các đề xuất mới nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm bền vững với môi trường hơn.
Cao ủy môi trường của EU Virginijus Sinkevicius cho biết với quy định mới, các công ty sẽ cần phải chứng minh tuyên bố xanh dựa vào chứng cứ khoa học.
“Trong 5 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng của hành vi tẩy rửa xanh. Chúng tôi muốn các công ty bảo đảm tuyên bố xanh của họ là xanh thực sự. Chúng tôi muốn người tiêu dùng nhận được thông tin đáng tin cậy, nhất quán và có thể kiểm chứng. Chúng tôi muốn nhãn dán về môi trường minh bạch hơn và dễ hiểu hơn”, Sinkevicius nói.
Ông cho biết thêm các công ty có thể bị xử phạt tài chính hoặc thậm chí bị loại khỏi thị trường nếu sản phẩm của họ bị phát hiện vi phạm quy định mới.
Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cho biết đề xuất của EC sẽ giúp giải quyết vấn đề “tẩy rửa xanh” phổ biến ở các công ty trong bối cảnh chịu áp lực của chính phủ, nhà đầu tư và người tiêu dùng trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng họ phàn nàn rằng đề xuất không cấm hoàn toàn tuyên bố gây tranh cãi rằng một sản phẩm có thể được coi là “trung hòa carbon” nếu công ty sản xuất chúng có tham gia trồng cây hoặc mua tín chỉ phát thải carbon.
Monique Goyens, Tổng giám đốc của Tổ chức Bảo vệ người tiêu dùng châu Âu (BEUC), nói: “Việc trồng cây dễ dàng hơn nhiều và ít chi phí hơn nhưng lại kém hiệu quả trong việc cắt giảm khí thải nhà kính”.
Các quy định mới sẽ được chính phủ các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu đàm phán trước khi thông qua.
Khung pháp lý về ghi nhãn môi trường có thể tạo ra tác động vượt ra ngoài biên giới châu Âu. Những thay đổi về quản lý đối với hàng hóa ở một thị trường có khoảng 450 triệu dân, thường dẫn đến những thay đổi toàn cầu rộng lớn hơn vì các công ty đa quốc gia muốn tránh tuân thủ nhiều nhiều bộ quy tắc cùng lúc.
Quy định ghi nhãn về môi trường một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bao gồm một loạt luật nhắm vào khí thải xe cộ, năng lượng tái tạo và các sáng kiến xanh khác.
Monique Goyens cho rằng quy định ghi nhãn môi trường sẽ đóng góp lớn cho tiến trình chuyển đổi xanh của EU.
“Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề “tẩy rửa xanh” ngay tại nguồn”, Goyens, nói và cho biết thêm việc thiết lập các quy tắc rõ ràng về ghi nhãn môi trường sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm tốt hơn.
Lê Linh (Theo WSJ, AFP)