1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh tài nguyên hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và việc sử dụng nó làm gia tăng phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu (BĐKH) khốc liệt trên phạm vi toàn cầu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Cùng với đó là những hiểm họa từ nhà máy hạt nhân, những xung đột địa chính trị giữa các quốc gia dẫn đến khủng hoảng năng lượng càng làm cho tình trạng thiếu hụt năng lượng trở lên trầm trọng hơn.
Ở Việt Nam, nhu cầu năng lượng đã không ngừng tăng lên song song với việc tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Trong khi đó, các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác tối đa hoặc có những giới hạn phát triển dẫn đến sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu như than đá, dầu mỏ, khí đốt, sắp tới là khí hóa lỏng. Nếu không có nguồn cung năng lượng bổ sung để cân đối cung cầu thì tỷ lệ phụ thuộc vào nước ngoài ở thời điểm năm 2030 sẽ là 32,3%.
Trước bối cảnh quốc tế và trong nước về yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, ngành năng lượng cần phải tìm kiếm nguồn nhiên liệu mới thay thế nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối để bổ sung và dần thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vừa là một yêu cầu khách quan, vừa là cấp thiết, là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm hao tốn tài nguyên đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương, doanh nghiệp và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững trên thế giới.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Sơ lược về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Ước tính đến hết tháng 12/2022, sản lượng phát điện của năng lượng tái tạo dự kiến đạt được 130 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng gần 48% sản lượng phát điện của hệ thống điện Việt Nam, trong đó, 35% là thủy điện và 13% là của điện gió, mặt trời và sinh khối. Tỷ trọng phát điện của năng lượng tái tạo không ngừng tăng cao và tốc độ rất nhanh trong cơ cấu điện của hệ thống điện Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2022, từ 27% vào năm 2010 lên hơn 48% vào năm 2022, đặc biệt với sự đóng góp rất lớn từ điện gió, mặt trời vào các năm 2019 – 2022 [7].
2.2. Chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở Nhật Bản
Với lợi thế là một cường quốc về khoa học, công nghệ phát triển bậc nhất trên thế giới, Nhật Bản cũng đã sớm nhận thức vai trò và tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vào tháng 4 năm 2021, Chính phủ Nhật Bản đã vạch ra các mục tiêu đầy tham vọng, nâng mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính lên 46% vào năm 2030 từ mức 26% của năm 2013; tiếp tục duy trì sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng. Theo kế hoạch mới nhất được đưa ra vào tháng 7 năm 2021 và được nội các Nhật Bản phê duyệt, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 36 – 38% nguồn cung cấp điện vào năm 2030, gấp đôi mức của năm 2019, trong đó 14 – 16% đến từ năng lượng mặt trời, 5% từ gió, 1% từ địa nhiệt, 11% từ thủy điện và 5% từ sinh khối [3, 6].
Những chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Nhật Bản [4-5]:
Thứ nhất, ngay từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, trong đó, cho những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu Yên, tương đương gần 5.000 USD. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.
Thứ hai, việc áp dụng chính sách FIT đã thu hút nhiều công ty đầu tư vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy mở rộng quy mô phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2016, Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 2,3 nghìn tỉ Yên (tương đương 17,3 tỉ Euro) để hỗ trợ việc mua lại điện mặt trời với giá cao hơn giá thị trường theo cơ chế FiT và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời để khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà, khuyến khích chính quyền các địa phương cùng tham gia các dự án điện mặt trời, từ đó xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn, tập trung. Điều này đã thu hút một số lượng lớn các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo, phổ biến nhất là năng lượng mặt trời, trong đó 80% là quy mô nhỏ, chủ yếu là công trình lắp đặt trên mái nhà. Các dự án điện mặt trời quy mô lớn chỉ chiếm 20% vì gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất nông nghiệp, khó khăn trong việc hòa lưới điện mặt trời vào lưới điện quốc gia.
Thứ ba, Nhật Bản cũng đưa ra mục tiêu đạt được net-zero vào năm 2050. Đây là một nhiệm vụ cấp bách đối với Chính phủ Nhật Bản. Quốc gia này đã đặt mục tiêu giảm 26% (hoặc hơn) lượng khí thải vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 [2].
Thứ tư, áp dụng thuế môi trường, loại bỏ trợ cấp cho năng lượng truyền thống. Nhật Bản đã đưa ra chính sách cùng chịu chi phí bằng việc cải cách thuế, đặc biệt là thuế môi trường hoặc các chương trình thu phí tiêu thụ năng lượng. Việc áp dụng thuế môi trường đối với các hoạt động sản xuất gây phát thải khí nhà kính cao sẽ gián tiếp tạo ra tính cạnh tranh cho năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Thứ năm, Chính phủ Nhật Bản tăng ngân sách cho R&D các công nghệ năng lượng tái tạo. Tích cực đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thực hiện cơ chế dán nhãn cho sản phẩm và cung cấp những thông tin về tác động đến môi trường.
Thứ sáu, thực hiện phi tập trung hóa, xem lại một số Luật gây cản trở cho việc phát triển năng lượng tái tạo, chẳng hạn như Luật về vườn quốc gia, Luật về đất nông nghiệp, Luật rác thải và vệ sinh và một số Luật khác nữa được xem là những hành động có thể tạo rộng đường cho năng lượng tái tạo phát triển.
Thứ bảy, thu hút đầu tư tư nhân. Nhật Bản cũng áp dụng các chính sách mới để kích thích đầu tư vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy sự tích cực của khu vực tư nhân. Cùng với đó là việc Nhật Bản đã thực hiện cải tổ nhằm điều chỉnh hệ thống năng lượng cũ mà trong đó, các công ty điện lực khu vực có quy mô lớn thường kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ việc phát điện cho đến khâu phân phối và bán lẻ.
Thứ tám, Nhật Bản cũng đã xây dựng các chính sách về nhiệt và làm nóng với năng lượng tái tạo, bao gồm cả bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và các thiết bị tiết kiệm năng lượng ở mức độ nhất định cho việc xây lại hoặc xây mới các công trình. Các nhà xây mới có nghĩa vụ phải đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, nhằm thúc đẩy ngành điện mặt trời phát triển.
Thứ chín, áp dụng một loạt các biện pháp thúc đẩy sự hiểu biết liên quan đến vai trò và tầm quan trọng của năng lượng tái tạo ở mọi cấp độ trong xã hội; nghiên cứu và hiểu biết sâu hơn những thách thức liên quan đến năng lượng. Đây được coi là những hành động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức tích cực về việc phát triển năng lượng tái tạo đảm bảo phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
2.3. Những bài học rút ra cho Việt Nam
2.3.1. Những bài học thành công
Thứ nhất, đặt ra những mục tiêu năng lượng tái tạo trong dài hạn và triển khai thông qua những kế hoạch hành động quốc gia bằng việc ban hành và thực thi những chính sách phù hợp giúp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Thứ hai, áp dụng chính sách trợ giá FiT một cách phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc giảm chi phí sản xuất (nhờ được trợ giá) giúp thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, qua đó mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Cùng với đó cần tính toán để vận dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá phù hợp để tăng tính cạnh tranh và bình đẳng trong tiếp cận tài nguyên.
Thứ ba, giảm thuế cho năng lượng tái tạo, đồng thời áp thuế môi trường cho các hoạt động có phát thải khí nhà kính. Điều này sẽ tạo điều kiện cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo.
Thứ tư, cung cấp các gói tín dụng cho hoạt động R&D cho các công nghệ năng lượng tái tạo để tạo điều kiện nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới có hàm lượng khoa học cao, đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về năng lượng tái tạo; hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây được xem là bước đi nhanh, hiệu quả với Việt Nam, quốc gia vốn có trình độ công nghệ, nhân lực và thu nhập còn nhiều hạn chế.
Thứ năm, tăng cường vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo, chú trọng nguồn vốn tư nhân và nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tận dụng các nguồn tài trợ quốc tế nhằm tạo điều kiện chủ động về vốn, giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Thứ sáu, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, đường dây truyền tải, tạo dựng hệ thống hạ tầng thuận tiện cho việc sử dụng năng lượng tái tạo; nghiên cứu triển khai các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió nổi để tiết kiệm quỹ đất, đặt các dự án sinh khối gần các khu vực có sẵn nguồn nguyên liệu.
Thứ bảy, tích cực nâng cao nhận thức của cộng đồng về những lợi ích bền vững của năng lượng tái tạo, điều này dẫn đến những quyết tâm mạnh mẽ để sẵn sàng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đáp ứng mục tiêu PTKTBV.
2.3.2. Những bài học cần tránh
Thứ nhất, việc đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo là bước quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tập trung một cách hạn hẹp vào mục tiêu năng lượng tái tạo có thể cản trở tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững; các mục tiêu năng lượng tái tạo không phải đích đến cuối cùng mà là phương tiện để đạt được ở tầm lớn hơn các mục tiêu kinh tế – xã hội, môi trường hướng đến một thế giới thịnh vượng, lành mạnh và công bằng hơn.
Thứ hai, việc áp dụng cơ chế giá FiT cần được tính toán thận trọng bởi nếu áp dụng như nhau đối với tất cả các dự án có thể sẽ dẫn đến sự đầu tư ồ ạt kéo theo áp lực về quá tải cho hệ thống vận hành gây mất an toàn, thậm chí là lãng phí làm giảm hiệu quả của các dự án năng lượng tái tạo.
3. Kết luận
Trong khi năng lượng hóa thạch ngày một cạn kiệt, đặc biệt là những tác hại khi sử dụng chúng gây ra với sức khỏe con người và môi trường; những hiểm họa từ các nhà máy điện hạt nhân, những ảnh hưởng địa chính trị thì việc đưa ra những chính sách năng lượng phù hợp để chuyển sang phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là cần thiết, kịp thời hướng đến mục tiêu phát triển kịnh tế bền vững.
Từ kinh nghiệm chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở Nhật Bản, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo, cần tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Đặc biệt, phải có chính sách năng lượng thật tốt nhằm thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển, như: cho vay vốn, ưu đãi thuế, trợ giá, dễ dàng trong kết nối với lưới điện, xây dựng một thị trường điện năng lượng tái tạo công bằng, minh bạch, chú trọng vào đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có lợi thế, để có thể tận dụng tốt tiềm năng của các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, cân bằng lợi ích của người tiêu dùng và quốc gia.
Nghiên cứu chuyển sang cơ chế đấu thầu để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư được chọn lựa để phát triển sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức đến với mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường của việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Từ đó, có những hành động thiết thực đóng góp cho việc phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, chống BĐKH, phù hợp với xu hướng phát triển chung trên thế giới.
TS. Hoàng Thị Xuân – Giảng viên Trường Đại học Công Nghệ Đông Á
Tài liệu tham khảo:
1. Broom, D., (2019). How Japan became the world leader in floating solar power. [Online] Availabile at https://www.weforum.org/agenda/2019/03/japan-is-the-world-leader-in-floating-solar-power/?DAG=3&gclid= CjwKCAjwitShBhA6EiwAq3RqA3Vj__5EeseHHIzrKOufZ1aEubGTYl7DGiHFTs5JMCZdC4saxTOcShoC6sYQAvD_BwE
2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (2019). Kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển điện mặt trời áp mái. Truy cập tại https://evn.com.vn/d6/news/Kinh-nghiem-cua-Nhat-Ban-ve-phat-trien-dien-mat-troi-ap-mai-141-17-23640.aspx
3. IEA (2021). Japan 2021, IEA. [Online] Availabile at https://www.iea.org/reports/japan-2021
4. “Japan”.Japan Wind Energy Association. [Online] Availabile at https://jwpa.jp/en/
5. Okutsu, A., & Shibata, N. (2021). Suga plan for greener Japan stirs hope in wind energy sector. [Online] Availabile at https://asia.nikkei.com/Business/Business-Spotlight/Suga-plan-for-greener-Japan-stirs-hope-in-wind-energy-sector
6. Reuter (2021). Japan aims for 36-38% of energy to come from renewables by 2030. [Online] Availabile at https://www.reuters.com/business/energy/japan-aims-36-38-energy-come-renewables-by-2030-2021-10-22/
7. Nguyễn Anh Tuấn (2023). Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2022: Các sự kiện, thành tựu và nhận diện thách thức. Truy cập tại https://nangluongvietnam.vn/nang-luong-tai-tao-viet-nam-nam-2022-cac-su-kien-thanh-tuu-va-nhan-dien-thach-thuc-30046.html
(Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3/2023)